14:21 05/10/2017

Loạt sai lầm khiến kinh tế Ấn Độ sa sút

Bình Minh

Kinh tế Ấn Độ chưa hết choáng váng vì hai cú sốc xảy ra chỉ trong vòng 12 tháng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: BBC.<br>
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: BBC.<br>
Từng được ca ngợi là một điểm sáng tăng trưởng toàn cầu, nền kinh tế Ấn Độ đang sa sút nhanh chóng.

Hãng tin CNN cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của quốc gia Nam Á này trong 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm về mức 5,7% từ mức 7% cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chậm nhất trong 3 năm. Giới phân tích cho rằng chặng đường phục hồi tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ sẽ rất gian nan.

“Chúng tôi đang ở trong một vòng xoáy đi xuống”, ông Mohan Guruswamy, người đứng đầu Trung tâm Chính sách thay thế ở New Delhi, nhận định.

Vào năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền ở Ấn Độ với lời hứa đưa nền kinh tế nước này lên những đỉnh cao mới. Tuy nhiên, nhiều cải cách cần thiết vẫn chưa được thực thi, trong khi một số thay đổi lại gây tổn hại đến tăng trưởng.

Hai cú sốc

Trong một bài phát biểu hôm thứ Tư, ông Modi bảo vệ những gì mà ông đã và đang làm, nói rằng Chính phủ của ông đã giúp ích cho nhiều ngành công nghiệp. “Đúng là tốc độ tăng trưởng có giảm xuống, nhưng cũng đúng là Chính phủ đang nỗ lực hết sức để đảo ngược xu hướng này. Các yếu tố nền tảng của chúng ta đang mạnh”, ông Modi nói.

Đến nay, kinh tế Ấn Độ còn chưa hết choáng váng vì hai cú sốc xảy ra chỉ trong vòng 12 tháng. Một là lệnh đổi tiền bất ngờ mà Thủ tướng Modi đưa ra vào tháng 12 năm ngoái nhằm rút 86% số tờ tiền giấy ở nước này khỏi lưu thông. Hai là một chương trình cải tổ hệ thống thuế quy mô lớn nhằm đưa 29 tiểu bang của nước này thành một thị trường chung.

Vụ đổi tiền “là một đòn giáng mạnh, vào đúng lúc nền kinh tế bắt đầu có sự giảm tốc vào năm ngoái, và sự giảm tốc bắt đầu được đẩy nhanh kể từ đó”, ông Guruswamy phát biểu.

Một cải cách lớn mà ông Modi đưa ra hồi tháng 7 là cải cách thuế hàng hóa và dịch vụ trên toàn quốc đã được đánh giá là một bước đi tích cực vì giúp đơn giản hóa hoạt động kinh doanh trong dài hạn. Tuy nhiên, việc thực thi chương trình này đã dẫn tới sự gián đoạn lớn.

“Tôi lo là nếu mọi người không hiểu được hệ thống thuế, họ sẽ ngừng kinh doanh”, ông Shailesh Kumar, nhà phân tích về Nam Á thuộc Eurasia Group, phát biểu. “Các bạn đã ít nhiều chứng kiến điều đó… bởi các công ty thực sự không biết phải làm gì”.

Chính phủ Ấn Độ từng dự báo về sự giảm tốc tăng trưởng, nhưng có vẻ như bất ngờ bởi sự giảm tốc quá mạnh. Các định chế tài chính hàng đầu thì lo ngại rằng kinh tế Ấn Độ sẽ gặp khó trong việc lấy lại động lực tăng trưởng trong ngắn hạn.

Ngân hàng Trung ương nước này (RBI) mới đây đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của năm tài khóa hiện tại xuống còn 6,7% từ mức 7,3% trước đó. Ngân hàng quốc gia Ấn Độ State Bank of India thậm chí còn thẳng thừng hơn, nói rằng sự giảm tốc này “về bản chất không phải là ngắn hạn hay thoáng qua”.

Nhiều nhà phân tích, lãnh đạo doanh nghiệp, và thậm chí là một số thành viên trong đảng cầm quyền giờ đây bắt đầu đặt câu hỏi về năng lực lãnh đạo nền kinh tế của Thủ tướng Modi, không chỉ bởi hệ quả của những chính sách mà ông đưa ra, mà còn bởi những cải cách còn chưa được thực thi.

“Được đặt ở vị trí cao trong danh sách ưu tiên là thúc đẩy những biện pháp như nới lỏng luật đất đai và tự do hóa thị trường lao động. Nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Thủ tướng Modi thực sự có niềm tin để thúc đẩy những cải cách cần thiết nhưng không được lòng dân đó”, một báo cáo gần đây của Capital Economics có đoạn viết.

Ngoài ra, cũng đang có nhiều lời kêu gọi Ấn Độ cải tổ hệ thống ngân hàng. Theo dữ liệu chính thức, khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng ở nước này đã trở thành nợ xấu.

Hạ cánh cứng là tất yếu?


Ông Yashwant Sinha, một cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ và là một thành viên cấp cao trong đảng của ông Modi, mới đây đã có một bài viết chỉ trích rằng nền kinh tế Ấn Độ đang ở trong “đống lộn xộn”, nói “một cuộc hạ cánh cứng là điều tất yếu”.

Chủ nghĩa dân tộc của người Hindu gia tăng, một phần do đảng cánh hữu của ông Modi, cũng gây một số thiệt hại cho nền kinh tế. Hồi tháng 5, Chính phủ Ấn Độ cấm bán bò - loại động vật mà người Hindu chiếm phần đông dân số Ấn Độ xem là linh thiêng - cho việc giết mổ, khiến ngành giết mổ gia súc của nước này điêu đứng.

Tháng 7, lệnh cấm trên đã bị Tòa án Tối cao Ấn Độ đình chỉ, nhưng sự mập mờ chính sách đã có ảnh hưởng rộng lớn. Ấn Độ xuất khẩu một lượng lớn thịt trâu, nhưng xuất khẩu mặt hàng này đã giảm mạnh trong năm nay, theo giờ truyền thông địa phương. Những con gia súc vốn từng là một nguồn thu nhập thêm quan trọng của hàng triệu người dân ở các vùng nông thôn Ấn Độ giờ đã trở thành “của nợ” vì nông dân lo ngại không thể bán chúng để giết thịt hay lấy da - ông Guruswamy cho biết.

Trước đó, vào tháng 4, Tòa án Tối cao Ấn Độ giáng một đòn khác vào nền kinh tế khi ban lệnh cấm bán rượu trong phạm vi 500 mét quanh các tuyến đường quốc lộ. Theo một số ước tính, lệnh cấm này có thể khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 10 tỷ USD. Tháng 8, Tòa án Tối cao Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm trên, nhưng nhiều nhà sản xuất rượu cho biết đã thiệt hại nhiều triệu USD.

Thủ tướng Modi hiện đang chật vật chèo lái con tàu kinh tế Ấn Độ. Thách thức cấp bách nhất, theo các chuyên gia, là tạo ra một số lượng việc làm lớn cho giới trẻ Ấn Độ như ông đã hứa. Mỗi năm, có khoảng 12 triệu người Ấn Độ gia nhập lực lượng lao động, nhưng khó tìm việc làm.

Trong nửa đầu năm nay, khoảng 1,5 triệu người Ấn Độ mất việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này hiện ở mức hơn 4,6%, nhưng giới phân tích nói rằng mức thất nghiệp thực tế có thể cao hơn nhiều.