16:15 08/02/2017

PwC dự báo kinh tế Việt Nam vượt Italy, Canada, Thái Lan... năm 2050

Diệp Vũ

Công ty tư vấn và kiểm toán hàng đầu thế giới cho rằng sau 3 thập kỷ nữa, Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất

Một nữ công nhân trong một nhà máy dệt may ở Việt Nam - Ảnh: Flickr.<br>
Một nữ công nhân trong một nhà máy dệt may ở Việt Nam - Ảnh: Flickr.<br>
Theo báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn và kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers (PwC), Việt Nam sẽ vượt qua những quốc gia như Italy, Canada, Thái Lan… để trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2050.

Báo cáo mang tên “The World in 2050” (tạm dịch: “Thế giới năm 2050”) của PwC dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người tính theo đồng giá sức mua (PPP) của Việt Nam vào năm 2050 sẽ đạt mức 28.200 USD, so với mức 6.300 USD vào năm 2016.

Khi đó, GDP tính theo PPP của Việt Nam 3.176 tỷ USD, đứng thứ 20 thế giới, so với mức 3.115 tỷ USD của Italy (vị trí 21), 3.100 tỷ USD của Canada (vị trí 22), hay 2.782 tỷ USD của Thái Lan (vị trí 25) - theo báo cáo.

Dữ liệu mà PwC đưa ra cho thấy trong GDP tính theo PPP của Việt Nam trong năm 2016 là 595 tỷ USD, đứng thứ 32 thế giới, trong khi con số này của Italy đạt 2.221 tỷ USD (vị trí 12), của Canada đạt 1.674 tỷ USD (vị trí 17), và của Thái Lan đạt 1.161 tỷ USD (vị trí 20).

Theo PwC, Việt Nam, Philippines, và Nigeria sẽ là 3 nền kinh tế có sự thăng hạng mạnh mẽ nhất trong thời gian từ nay đến năm 2050. Trong đó, Việt Nam được dự báo nhảy 12 bậc trong bảng xếp hạng GDP tính theo PPP, Philippines thăng 9 bậc, và Nigeria tăng 8 bậc.

PwC cũng dự báo Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh sẽ là ba nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn từ nay đến 2050, với tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 5%. Cơ sở của dự báo này là ba nước có ưu thế dân số trẻ và tăng trưởng dân số cao hơn so với các nước khác.

Báo cáo khuyến nghị để khai thác được tiềm năng tăng trưởng, ba nước cần thúc đẩy cải cách kinh tế theo hướng bền vững, cải thiện các yếu tố kinh tế vĩ mô, củng cố các định chế và phát triển giáo dục.    

Các nước bị dự báo tụt hạng nhiều nhất là Tây Ban Nha (giảm 10 bậc từ 16 xuống 26), Italy (giảm 9 bậc từ 12 xuống 21), và Australia (giảm 9 bậc từ 19 xuống 28).

Ngoài Việt Nam, chỉ có hai nền kinh tế khác ở Đông Nam Á được PwC dự báo sẽ nằm trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo PPP vào năm 2050, là Indonesia ở vị trí thứ 4 và Philippines ở vị trí thứ 19.

Báo cáo nhận định vào năm2050 Trung Quốc vẫn sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới như hiện nay nếu xét trên GDP tính theo PPP. Tuy nhiên, Mỹ sẽ nhường vị trí thứ hai hiện nay cho Ấn Độ và tụt xuống vị trí thứ ba.

Trong top 10 của năm 2050 còn có Brazil, Nga, Mexico, Nhật Bản, Đức, và Anh.

Nếu tính GDP theo tỷ giá hối đoái thị trường (MER) thì theo PwC đến năm 2050 Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới, với GDP đạt 2.280 tỷ USD, dẫn trước Malaysia (vị trí 28) và Thái Lan (29).

Năm 2016, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới nếu tính GDP theo MER, với GDP đạt 200 tỷ USD, theo báo cáo.

GDP tính theo MER của Mỹ năm 2016 là 18.562 tỷ USD, cao nhất thế giới, so với mức 11.392 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ nhì là Trung Quốc. PwC dự báo đến năm 2030, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu xét trên GDP tính theo MER.