08:36 29/09/2017

Trung Quốc ra lệnh trục xuất các công ty Triều Tiên

Bình Minh

Mỹ công nhận Trung Quốc đang có những bước tiến trong việc thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các tướng lĩnh quân đội nước này - Ảnh: KCNA/CNBC.<br>
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các tướng lĩnh quân đội nước này - Ảnh: KCNA/CNBC.<br>
Trung Quốc ngày 28/9 yêu cầu các công ty Triều Tiên hoạt động ở nước này đóng cửa, trong một động thái nhằm thực thi lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Bình Nhưỡng.

Hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố được đăng trên website của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, liên doanh giữa các công ty Trung Quốc với tổ chức và cá nhân Triều Tiên cũng sẽ phải đóng cửa.

Các công ty được yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh trong vòng 120 ngày kể từ ngày 12/9, thời điểm Liên hiệp quốc thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và loạt vụ phóng thử tên lửa mới đây của Triều Tiên. Các tổ chức phi chính phủ và dự án hạ tầng phi lợi nhuận và phi thương mại không chịu tác động của lệnh cấm này.

Động thái trên của Trung Quốc diễn ra trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Trung Quốc vào cuối tuần này. Ngoài vấn đề Triều Tiên, theo dự kiến, ông Tillerson còn thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng các vấn đề thương mại và đầu tư - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố ra hôm thứ Tư.

Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ nói Trung Quốc đang có những bước tiến trong việc thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên. “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong chiến lược này và nhận thấy rõ Trung Quốc đang có những bước tiến, dù chưa đều đặn”, bà Susan Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng tại Vụ Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu tại một phiên điều trần trước Quốc hội nước này.

“Chúng tôi thực sự nhận thấy sự dịch chuyển chính sách của Trung Quốc”, bà Thornton nói, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ chưa cần phải thông qua những biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.

Trước khi trục xuất các công ty Triều Tiên, Bắc Kinh trong năm nay cũng đã có những động thái đáng kể đối với Bình Nhưỡng, bao gồm dừng nhập khẩu than của Triều Tiên và cắt giảm cung cấp xăng dầu cho nước này. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Trump gia tăng sức ép đối với Trung Quốc bằng cách nhiều lần nói rằng Bắc Kinh không chịu sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Cùng ngày thứ Năm, Hàn Quốc cho biết nước này dự kiến Triều Tiên sẽ có thêm những hành động gây hấn vào giữa tháng 10, dịp kỷ niệm thành lập Đảng Lao động cầm quyền của Triều Tiên.

Nhiều nghị sỹ Quốc hội Mỹ hiện đang muốn tung những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm lệnh trừng phạt thứ cấp nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc và các công ty khác có giao dịch kinh doanh với Bình Nhưỡng, cũng như các biện pháp chặn hoạt động nhập khẩu dầu lửa vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, bà Thornton cùng các quan chức khác của Chính phủ Mỹ cho rằng Quốc hội Mỹ không nên làm những việc có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, các nghị sỹ Mỹ đã đặt ra những câu hỏi về sự khôn ngoan của ông Trump khi dùng những dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter để đe dọa Triều Tiên. Nhiều người cho rằng những dòng tweet dọa dẫm này có thể cản trở nỗ lực đạt tới giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.