08:28 03/04/2017

Việt Nam có thể có thêm hãng hàng không giá rẻ mới

Thăng Điệp

AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, sẽ mở liên doanh tại Việt Nam

AirAsia hiện đã mở chi nhánh ở Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, và Nhật Bản, 
bên cạnh mở các tuyến bay đường dài quốc tế với giá rẻ thông qua bộ phận
 mang tên AirAsia X.
AirAsia hiện đã mở chi nhánh ở Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, và Nhật Bản, bên cạnh mở các tuyến bay đường dài quốc tế với giá rẻ thông qua bộ phận mang tên AirAsia X.
AirAsia, công ty hàng không giá rẻ nằm dưới sự lãnh đạo của "đại gia" người Malaysia Tony Fernandes, dự định mở một liên doanh tại Việt Nam. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh giá vé máy bay rẻ và thu nhập gia tăng đẩy nhu cầu đi lại tăng mạnh ở Việt Nam.

Theo tin từ Bloomberg, AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, sẽ hợp tác với Gumin Co., Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu, và doanh nhân Trần Trọng Kiên để mở liên doanh tại Việt Nam. Theo dự kiến, hãng bay này sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm tới - AirAsia cho biết trong một tuyên bố niêm yết thông tin trên thị trường chứng khoán. Gumin sẽ nắm khoảng 70% liên doanh này, trong khi AirAsia nắm phần còn lại.

Việt Nam là quốc gia mới nhất thu hút Fernandes, vị doanh nhân đang nỗ lực xây dựng một hãng hàng không giá rẻ có độ phủ sóng toàn châu Á. Lượng khách đi máy bay ở Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 28% mỗi năm, cao gấp 3 lần so với ở các quốc gia Đông Nam Á khác.

Việt Nam hiện là thị trường hàng không lớn thứ năm ở Đông Nam Á, với lượng khách nội địa tăng gấp đôi từ năm 2013, theo AirAsia.

Tính đến hết phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, giá cổ phiếu của AirAsia niêm yết tại thị trường Kuala Lumpur đã tăng 37%.

AirAsia hiện đã mở chi nhánh ở Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, và Nhật Bản, bên cạnh mở các tuyến bay đường dài quốc tế với giá rẻ thông qua bộ phận mang tên AirAsia X. Hãng đã đặt mua hàng trăm máy bay trị giá tổng cộng hàng tỷ USD từ hãng Airbus để đáp ứng tham vọng tăng trưởng. Ngoài ra, hãng đang trong quá trình bán lại bộ phận cho thuê máy bay để huy động thêm vốn.

Sau khi lên sàn vào tháng trước, giá cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ VietJet đã tăng 52%. Theo dự báo mà Công ty Chứng khoán ACB đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, trong thập kỷ tới, lượng hành khách đi máy bay ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hai con số, sau khi tăng với tốc độ trung bình 17% mỗi năm trong thập kỷ qua.

“AirAsia đã rất muộn với ‘bữa tiệc’ ở Việt Nam và họ sẽ đối mặt với thách thức lớn”, ông Brendan Sobie, nhà phân tích ở Singapore thuộc CAPA Centre for Aviation, nhận định. “Thị trường Việt Nam giờ đã được phục vụ rất tốt bởi hai hãng hàng không giá rẻ là VietJet và Jetstar Pacific. Tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại trong những năm sắp tới bởi thị trường giờ đã bão hòa hơn”.

Theo tuyên bố của AirAsia, liên doanh của hãng này tại Việt Nam sẽ cần số vốn đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ đồng, tương đương 44 triệu USD. AirAsia dự định sẽ góp 30% số vố này sau khi huy động vốn nội bộ.

Ông Trần Trọng Kiên là Giám đốc điều hành (CEO) của Gumin, công ty có trụ sở tại Hà Nội được thành lập hôm 29/3, theo thông tin từ website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Bloomberg trích dẫn. Ông Kiên cũng là Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Thiên Minh (TMG), đơn vị sở hữu Victoria Hotels & Resorts tại Việt Nam và Lào. Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu là một công ty con của TMG.