Thị trường ảm đạm, doanh nghiệp ngành ô tô Việt chồng chất khó khăn

Hoàng Lâm
Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất trong ngành ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền thì có thể nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục duy trì được sản xuất kinh doanh.

Thị trường lao dốc, hàng tồn kho tăng cao

Thị trường ảm đạm, doanh nghiệp ngành ô tô Việt chồng chất khó khăn - Ảnh 1

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 4 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 trước đó và giảm 47% so với tháng 3/2022. Trong đó, doanh số bán ra của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng 3/2023.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 (lắp ráp trong nước giảm 39%; nhập khẩu giảm 16%).

VAMA đánh giá doanh số ô tô tiếp đà giảm sút trong các tháng đầu năm 2023 là tín hiệu đáng lo ngại với nhiều doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Hải quan, tháng 3/2023, cả nước nhập khẩu 15.228 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt 355,4 triệu USD, tăng 23,2% về lượng, tăng 36,8% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung cả quý 1, cả nước nhập khẩu 42.002 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 925,5 triệu USD, tăng 76,9% về lượng và tăng 64,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang tháng tháng 4/2023, cả nước nhập khẩu 12.323 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 288 triệu USD. Nửa đầu tháng 5, lượng ô tô nguyên chiếc tiếp tục giảm nhanh, cả nước chỉ nhập khẩu 3.257 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch 88 triệu USD.

Thực tế có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm ô tô dẫn đến thị trường lao dốc mạnh như việc doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó, lãi suất tăng cao, tỷ giá và lạm phát, chính sách giảm thuế trước bạ không được gia hạn và đặc biệt nhiều doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh rất gay gắt để giành thị phần.

Chờ hỗ trợ từ nhà nước

Thị trường ảm đạm, doanh nghiệp ngành ô tô Việt chồng chất khó khăn - Ảnh 2

Trước tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, mới đây, VAMA và các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn trên cả nước đã có kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành ô tô, trên cơ sở tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong báo cáo gửi Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công ty Toyota Việt Nam, doanh nghiệp FDI lớn của địa phương có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24% tương đương giảm 1.760 xe, mức tồn kho tăng 347% tương đương tăng 1.931 xe.

UBND tỉnh Ninh Bình trong văn bản gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành cũng phản ánh, việc sản xuất và tiêu thụ ô tô của Hyundai Thành Công bị sụt giảm lớn: Tháng 1/2023 sản lượng tiêu thụ chỉ đạt gần 3.000 xe, giảm 4.939 xe (tương đương 62,5%) so với tháng 1/2021 và giảm hơn 3.700 xe (tương đương 55,8%) so với tháng 1/2022.

Tỉnh Ninh Bình đã đề xuất tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe ô tô. Trong đó, có giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian phù hợp.

Trước đó, Công ty cổ phần ô tô TMT và Hiệp hội doanh nghiệp có khí Việt Nam đã kiến nghị tới Bộ Tài chính lộ trình giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với dòng xe ô tô sử dụng động cơ điện trong thời gian 2 năm, cụ thể với ô tô chở người dùng động cơ điện áp dụng thuế suất 0% từ 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 và từ 1/1/2025 trở đi áp dụng mức thuế suất 70%. Với ô tô chở hàng sử dụng động cơ áp dụng thuế suất 0% từ 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 và từ 1/1/2025 trở đi áp dụng mức thuế suất 70% và 25%.

Sau đó, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã có khá nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện cũng như người sử dụng ô tô điện thân thiện với môi trường Theo danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư tại Phục lục II ban hành kèm Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều tại Luật Đầu tư, theo đó các dụ án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô điện thân thiện với môi trường sẽ được các ưu đãi về Thuế Nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế tương ứng với điều kiện thực tế mà dự án đáp ứng.

Các doanh nghiệp trong ngành ô tô đang gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp trong ngành ô tô đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nhắc lại các chính sách mà bộ đã ban hành liên quan đến chính sách thuế và phí liên quan. Đáng quan tâm nhất là việc Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã ưu đãi thuế suất 0% đối với nhập khẩu linh kiện phục vụ lắp ráp sản xuất ô tô điện (do chưa sản xuất được). Luật số 03/2022/QH15 cũng đã điều chỉnh mức thuế Tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi mạnh đối với xe điện chạy pin; từ 1/3/2022 đến hết 8/2/2027 là 1%, 2% và 3%. Từ 1/3/2027 trở đi là từ 5 – 15%. Để so sánh, hiện mức thuế TTĐB dành cho xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch là từ 15 – 150% tuỳ dung tích và số chỗ ngồi). Chính phủ cũng đã có những chính sách khuyến khích đối với người tiêu dùng với ưu đãi về lệ phí trước bạ (Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ xe ô tô điện chạy pin), theo đó Chính phủ miễn lệ phí trước bạ trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, giảm 50% LPTB trong 2 năm tiếp theo.

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ không thực hiện điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe ô tô điện tại dự thảo Nghị định do hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế và lệ phí trước bạ để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa. Việc đặt vấn đề giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với ô tô xe điện trong thời gian 2 năm (từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024) sẽ làm giảm sức cạnh tranh của xe ô tô điện sản xuất trong nước, giảm thu ngân sách nhà nước, đồng thời gây sức ép đối với hạ tầng giao thông trong nước.

Ngày 13/12/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 376/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về một số nội dung dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi… và đã thống nhất như đề xuất nêu trên của Bộ Tài chinh.

Mới đây, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành ô tô, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Công Thương đã cho hay, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thời gian qua, thị trường ô tô giảm đến 34% so với cùng kỳ và giảm 38% đối với các loại ô tô du lịch dưới 9 chỗ. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với thực tế tồn kho.

Khách hàng xem mẫu Nissan Kícks tại một đại lý ở Hà Nội.
Khách hàng xem mẫu Nissan Kícks tại một đại lý ở Hà Nội.

Các đơn vị này đã có kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ đã báo cáo với Chính phủ xem xét đề nghị giảm thuế, phí trước bạ, xem xét gia hạn, chậm nộp với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xem xét các kiến nghị mà Bộ Công Thương nêu. Quan điểm của Bộ Công Thương là ủng hộ giảm 50% phí trước bạ, đề xuất trong năm 2023, tuy nhiên theo thẩm quyền, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trong thời gian tới để có giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ô tô, xe máy, cơ khí. Qua quá trình theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cũng có doanh nghiệp đang đứng trước ranh giới sự sống còn. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền thì có thể nhiều doanh nghiệp sẽ không duy trì được sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng nói thêm, có ý kiến cho rằng, nếu giảm thì ngân sách gặp khó khăn về nguồn thu, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Công Thương không đồng tình về ý kiến này. Thực tế năm 2021, khi giảm lệ phí trước bạ thì sản xuất kinh doanh được giữ vững và phát triển. Nguồn thu thuế vào ngân sách địa phương không những không giảm mà lại tăng lên. Qua báo cáo của Bộ Tài chính không những giảm mà còn tăng hơn 2.000 tỉ đồng. Do đó Bộ Công Thương tiếp tục ủng hộ việc đề xuất mới liên quan đến giảm 50% phí trước bạ.

Cuối tháng 4/2023 vừa qua, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô trong nước. Cùng đó, Bộ này cũng trình 2 phương án để Thủ tướng quyết định.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.

Phương án 1: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án này có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu do đã điều chỉnh chính sách là 8.727 tỷ đồng).

Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Phương án này làm giảm thu ngân sách Nhà nước.

Các doanh nghiệp ứng phó thế nào?

Trong khi trông chờ sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, để kích cầu cho thị trường, hàng loạt các nhà sản xuất và đại lý đang áp dụng chính sách giảm giá mạnh tay, lên tới 100% phí trước bạ cùng nhiều hình thức khuyến mại khác.

Nhiều doanh nghiệp, đại lý liên tục đưa ra các chương trình khuyễn mại để kích cầu tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp, đại lý liên tục đưa ra các chương trình khuyễn mại để kích cầu tiêu dùng.

Từ đầu tháng 5 vừa qua, Nissan Việt Nam đã tung ưu đãi 100% phí trước bạ cho toàn bộ chuỗi sản phẩm hãng đang phân phối gồm: Almera, Navara và và Kicks. Trong đó, Almera hiện có 2 phiên bản gồm CVT và Almera CVT Cao cấp cùng giá niêm yết tương ứng là 595 triệu và 539 triệu đồng. Sau ưu đãi phí trước bạ, khách mua xe Nissan Almera trong tháng 5 sẽ tiết kiệm được khoản chi phí lăn bánh từ khoảng 60 triệu đồng, tùy phiên bản và khu vực.

Cả ba phiên bản của dòng bán tải Nissan Navara là Navara EL 2WD, VL 4WD và Pro-4X đều được hưởng ưu đãi 100% phí trước bạ trong tháng 5. Tương ứng với mức giảm tiền mặt từ khoảng 60 - 70 triệu đồng. Mẫu Nissan Kicks cũng nằm trong diện hỗ trợ 100% phí trước bạ.

Volkswagen Việt Nam mới đây đã thông báo ưu đãi lên tới 100% phí trước bạ từ nay đến hết tháng 5 cho dòng xe Tiguan Allspace. Với mức giá niêm yết hiện đang ở mức 1,999 tỷ đồng, khách mua Tiguan Allspace sẽ tiết kiệm tới 200 triệu đồng. Khách mua mẫu SUV full-size 7 chỗ Volkswagen Teramont giá niêm yết 2,499 tỷ đồng sẽ nhận được ưu đãi phí trước bạ lên đến 200 triệu đồng. SUV Volkswagen Touareg hiện có giá đề xuất từ 2,999 đến 3,499 tỷ đồng được Volkswagen áp dụng hỗ trợ phí trước bạ khoảng 125 triệu đồng. T-Cross (giá niêm yết 1,099 đến 1,299 tỷ) được ưu đãi lên đến 100 triệu đồng.

Mazda Việt Nam thì tiếp tục áp dụng ưu đãi 100% lệ phí trước bạ tương đương hỗ trợ từ 80 – 100 triệu đồng cho các dòng xe Mazda2, Mazda3, Mazda6, CX-3, CX-30, CX-5 và BT-50... trong tháng 5.

Mercedes-Benz Việt Nam cũng tung chương trình khuyến mại tặng 100% phí trước bạ cho khách hàng mua xe GLC phiên bản hiện tại để chuẩn bị đón thế hệ mới.

Honda tiếp tục áp dụng chương trình hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho mẫu xe Honda CR-V trong tháng 5 và bản 2022 được xả hàng với mức giá giảm lên tới gần 200 triệu đồng. Honda CR-V có 4 tùy chọn phiên bản, gồm E, G, L, LSE với giá niêm yết tương ứng là 998 triệu đồng, 1,048 tỷ đồng, 1,118 tỷ đồng và 1,138 tỷ đồng.

Có thể thấy trước tình hình hiện tại trong khi chờ một sự hỗ trợ từ Chính phủ thì các doanh nghiệp chỉ còn cách chọn giải pháp tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại là giảm giá, tung các chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn để kích cầu.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, có thể sẽ có những mức giảm lớn ở mức “kỷ lục” lên đến vài trăm triệu trên thị trường xe bởi khả năng thanh khoản ô tô hiện rất chậm. Áp lực hàng tồn kho và xoay vòng vốn đang là vấn đề khiến các doanh nghiệp trong ngành ô tô và đại lý đau đầu.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.