Thị trường ô tô điện Việt Nam sửa soạn vào đường đua

Thanh Minh
Việt Nam không ở “ngoài lề” cuộc cách mạng xe điện toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường xe điện Việt Nam vẫn còn đó nhiều nút thắt cần giải quyết để có thể thực sự "phi nước đại"...

Ít lựa chọn cho người tiêu dùng muốn mua ô tô điện 

VinFast VF e34 dường như là mẫu xe duy nhất người dùng có thể chọn mua hiện nay. Thực tế, thị trường chưa có nhiều sản phẩm lựa chọn cho người tiêu dùng, mặc dù, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đều đã công bố kế hoạch điện khí hóa, ra mắt những mẫu ô tô điện đầu tiên song chưa có kế hoạch đưa về Việt Nam. Trong năm qua, Thaco Auto cũng đã có “lời tuyên bố” về việc đưa mẫu xe điện Kia EV6 - mẫu xe thuần điện (BEV) đầu tiên của thương hiệu KIA, về Việt Nam, song kế hoạch chi tiết chưa được công bố.

Hãng xe sang Porsche đã bán xe điện Porsche Taycan ở Việt Nam. Nhưng đây là mẫu xe có mức giá khá cao, không nhắm đến đối tượng người dùng đại chúng. Xe điện Porsche Taycan có giá từ trên 5 tỷ đồng.

Mercedes-Benz từng gây chú ý với thị trường xe điện Việt Nam khi hồi tháng 4 vừa qua. Trang chủ của Mercedes-Benz Việt Nam xuất hiện thêm dòng xe điện Mercedes-EQ trong danh mục sản phẩm. Một số hãng xe khác như Nissan cũng có những động thái quan tâm song đều chưa mang lại kết quả cụ thể ở thị trường xe điện Việt.

Giải pháp phủ sóng trạm sạc xe điện

Mua và sử dụng xe điện, một trong những mối quan tâm lớn của người tiêu dùng là hệ thống trạm sạc, hay nói cụ thể hơn, họ sẽ sạc điện cho ô tô điện như thế nào, có thuận tiện không và chi phí có cao không. Hiện nay, VinFast đang là nhà sản xuất ô tô điện duy nhất tại Việt Nam. Theo kế hoạch từng được VinFast công bố, công ty sẽ khai triển hơn 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện tại các bãi đỗ xe của các địa điểm trung tâm tỉnh, thành phố như chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bãi đỗ xe công cộng, trường đại học, cao đẳng, khách sạn….. 

Cụ thể, tại các bãi đỗ xe, bến xe, các trạm sạc xe điện VinFast thường cung cấp tối thiểu 5 trụ sạc nhanh ô tô điện công suất 30kW, ít nhất 5 trụ sạc ô tô điện công suất 11kW. Ở các tòa nhà chung cư, văn phòng, VinFast dự kiến triển khai từ 1-2 trụ sạc ô tô DC30kW và từ 6-7 trụ sạc AC11kW (tổng cộng có thể sạc đồng thời cho 9 xe ô tô điện). Tại các trung tâm thương mại, dự kiến VinFast sẽ triển khai các trạm sạc hỗn hợp bao gồm: 6-8 trụ sạc nhanh ô tô điện công suất 30kW, 2-4 trụ sạc ô tô điện công suất 11kW. 

Thiết bị sạc ô tô điện được triển khai dọc đường cao tốc, quốc lộ là trụ sạc nhanh DC60kW, với 2 cổng sạc có thể phục vụ đồng thời 2 xe cùng lúc. Tại mỗi trạm sạc ở các trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu, VinFast dự kiến triển khai 10 trụ sạc DC60kW như vậy.

Cũng trong tháng 12 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh). Nhà máy có quy mô giai đoạn 1 là 8ha và tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đây là hoạt động quan trọng trong chiến lược tự chủ sản xuất pin của VinFast, đảm bảo nguồn cung đa dạng, đạt chuẩn quốc tế cho từng dòng ô tô điện của hãng xe Việt. 

Thị trường ô tô điện Việt Nam sửa soạn vào đường đua - Ảnh 1

Trong một sự kiện về "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" hồi tháng 9/2021, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng việc xây dựng trạm sạc sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến hệ thống điện Việt Nam, chẳng hạn như làm tăng phụ tải, ảnh hưởng tới vận hành lưới điện, gây quá tải lưới điện khu vực nếu không có các giải pháp đối phó kịp thời.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, hiện nay, có hai hướng giải pháp công nghệ chính khắc phục ảnh hưởng của xe điện đang được các quốc gia nghiên cứu và hướng tới. Đó là sạc thông minh (Smart Charging) cho phép dịch chuyển thời điểm sạc sang lúc thấp tải, với giá điện sạc rẻ hơn. Thứ hai là giải pháp xe điện nối lưới (Vehicle to Grid – V2G), cụ thể, ở một mức độ công suất lớn nào đó, các pin của xe điện có thể cấp ngược công suất và hỗ trợ lưới điện khi cần. 

Thực tế, trạm sạc ô tô điện không chỉ là vấn đề đau đầu với riêng Việt Nam mà với hầu hết các quốc gia trên thế giới khi bước vào kỷ nguyên xe điện. 

Kỳ vọng về một loạt chính sách ưu đãi dành cho xe điện 

Trong năm 2021, một loạt các đề xuất về mặt chính sách nhằm tạo điều kiện xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại Việt Nam đã được đưa ra.

Vào giữa tháng 5/2021, Tập đoàn Vingroup đã kiến nghị về chính sách thí điểm ưu đãi nhằm mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường. Kiến nghị tập trung vào chính sách ưu đãi về thuế xe ô tô điện là thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe điện trong 5 năm tới. Lúc đó, Bộ Công thương khẳng định việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế Tiêu thụ đặc biệt và Lệ phí trước bạ trong 5 năm theo như đề xuất của Vingroup là “có thể xem xét”.

Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã có kiến nghị lên Chính phủ về việc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe điện; hỗ trợ cho khách hàng mua xe điện và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe điện, đặc biệt là trong giai đoạn từ 2021-2030.

Tại phiên họp ngày 8/12/2021 vừa qua, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giảm thuế suất tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 5-12 điểm phần trăm thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện chạy pin trong 5 năm đầu sau khi luật sửa đổi có hiệu lực, từ năm thứ 6 trở đi, mức thuế suất sẽ tăng cả với xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước. Cụ thể, với ô tô điện từ 9 chỗ trở xuống, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt hiện là 15% và được đề xuất giảm xuống còn 3% trong 5 năm đầu, tăng lên 10% từ năm thứ 6. Trong khi đó, ô tô điện từ 10-16 chỗ, mức thuế đề xuất ưu đãi sẽ chỉ còn 2% và lên 5% từ năm thứ 6, từ mức 10% hiện hành. 

Những đề xuất trên đều nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất, phát triển ô tô chạy pin, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Giá ô tô điện hiện vẫn có phần cao hơn so với giá ô tô chạy xăng, dầu song dự kiến, mức giá sẽ ngày càng giảm nhờ sự tiến bộ của công nghệ và pin xe điện. Các chuyên gia dự đoán, thị trường ô tô điện Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu có các chính sách khuyến khích phù hợp.

Có thể thấy, năm 2021 ngành công nghiệp xe điện Việt Nam đã có những dấu ấn phát triển mạnh mẽ nhất định, song để thị trường phát triển hơn nữa, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, từ sự đa dạng lựa chọn các mẫu xe điện cho người tiêu dùng, đến việc xây dựng hệ thống trạm sạc hợp lý và các quyết sách khuyến khích, phát triển ngành công nghiệp...

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.