17:04 23/07/2019

Thị trường xuất khẩu lao động truyền thống vẫn chiếm thế “áp đảo”?

Nhật Dương

Xu hướng trong những tháng nửa cuối năm 2019, những thị trường lao động truyền thống được dự báo vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động Việt Nam

Lao động Việt Nam có xu hướng lựa chọn sang làm việc ở những thị trường có thu nhập cao và ổn định hơn. Ảnh minh họa.
Lao động Việt Nam có xu hướng lựa chọn sang làm việc ở những thị trường có thu nhập cao và ổn định hơn. Ảnh minh họa.

Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 66.983 lao động (18.995 lao động nữ). Con số này đạt 55,82% kế hoạch năm 2019, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 là 120.000 lao động.

Thị trường truyền thống vẫn chiếm thế "thượng phong"

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, tình hình xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm 2019 không có sự thay đổi rõ rệt về thị trường tiếp nhận. Trong đó, những thị trường tiếp nhận truyền thống vẫn chiếm thế "thượng phong" là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã hoàn tất thủ tục trình Bộ cấp mới giấy phép cho 25 doanh nghiệp. Hiện, số doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 328 doanh nghiệp.

Nửa đầu năm 2019, công tác phát triển thị trường lao động ngoài nước, ký kết các hiệp định và thỏa thuận song phương theo ông Liêm là có nhiều điểm sáng. Trong đó, tại thị trường Đài Loan, đã nghiên cứu xây dựng phương án gia hạn/ký hợp đồng với chủ sử dụng mới dành cho lao động Việt Nam làm việc tại đây hết hạn hợp đồng được gia hạn hoặc chuyển chủ mới để không phải về Việt Nam.

Với thị trường Nhật Bản, hai nước đã đàm phán thành công và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và các bộ, ngành của Nhật Bản về phái cử lao động kỹ năng đặc định sang nước này làm việc.

Tại thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai thực hiện Bản ghi nhớ 2019 giữa Việt Nam - Hàn Quốc về việc thi tiếng Hàn và tuyển 7.900 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm.

Ngoài ra, từ ngày 6/6/2019, Cộng hòa Séc chính thức mở lại việc cấp visa dài hạn cho công dân Việt Nam. Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xét duyệt đợt đầu cho 200 công dân Việt Nam sẽ sang Cộng hòa Séc làm việc từ tháng 8/2019.

Tiềm năng lớn từ thị trường Nhật Bản

Với những tín hiệu tích cực từ kết quả xuất khẩu lao động 6 tháng qua, ông Nguyễn Gia Liêm nhận định, tình hình nửa cuối năm 2019 được dự báo là rất phát triển và đẩy mạnh thị trường qua nhiều nước, thêm nhiều lĩnh vực tiếp nhận.

Xu hướng trong các tháng tới, những thị trường truyền thống vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt là hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản, đây cũng là hai thị trường hiện tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô lớn nhất, chiếm trên 90% tổng số lao động đi trong thời gian qua.

Trong đó, Nhật Bản đang là thị trường tiềm năng nhất hiện nay. Cùng với việc ký bản ghi nhớ gần đây, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, Nhật Bản hiện là thị trường hấp dẫn hơn cả với lao động Việt Nam. Cùng với bối cảnh già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp nên những năm gần đây, nước này luôn có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam rất lớn.

Tại Việt Nam, những năm qua số lượng lao động được phái cử sang nước này cũng liên tục tăng, năm 2018 đã đưa được 69.000 lao động sang làm việc, còn tính riêng 6 tháng đầu năm nay con số này là hơn 33.000 người. Cùng với đó, hiện Nhật Bản cũng đang tăng cường tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến năm 2025 và lao động có thể gia hạn đến 10 năm.

Bên cạnh các thị trường truyền thống, trong những tháng tới, khu vực các nước Châu Âu cũng có xu hướng gia tăng thị phần, song lại có sự suy giảm đáng kể về quy mô lao động sang thị trường một số nước tại khu vực Trung Đông, Malaysia.

Đây là những thị trường có thu nhập trung bình nên không còn thu hút lao động Việt Nam, thay vào đó, người lao động đang có xu hướng dịch chuyển sang làm việc chủ yếu ở các thị trường thu nhập cao hơn.