15:42 28/10/2016

"Bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn nằm chờ chực"

Nguyên Hà

Ghi nhận tại hội nghị công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý 3/2016, do CIEM tổ chức

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cách thức điều hành và thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là không hợp lý, chỉ chú trọng đến ngắn hạn.<br>
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cách thức điều hành và thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là không hợp lý, chỉ chú trọng đến ngắn hạn.<br>
Tại hội nghị công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý 3/2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 29/10, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói rằng, câu chuyện mục tiêu tăng trưởng và cách thức điều hành của chúng ta hiện nay “đang có vấn đề”.

Cụ thể là mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay của chúng ta chắc chắn không đạt được, nên phải làm rõ nguyên nhân vì sao, và liệu nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng theo kiểu như thế nữa hay không?

“Thay đổi cực khó”

Theo ông Cung, mô hình và cách thức tăng trưởng hiện nay vẫn dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào là lao động, tài nguyên… mà không chú ý đến những yếu tố dài hạn của tăng trưởng như năng suất, chất lượng.

Trong khi đó, điều hành của chúng ta là sử dụng những công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng, thông qua các chính sách tăng huy động, tăng đầu tư, tăng tín dụng với các chính sách tài khóa, tiền tệ liên tục được mở rộng. Thậm chí, Chính phủ còn sử dụng hàng loạt các gói kích cầu, hỗ trợ khi nền kinh tế khó khăn.

“Cứ mở đầu tư, là cách dễ nhất, thông qua tăng thu, tăng chi Nhà nước và một khi không đủ thì lại đi vay khiến cho bội chi tăng lên. Bất ổn kinh tế vĩ mô nằm chờ chực ở trong đấy, nên không thể bền vững về vĩ mô được”, ông Cung nói.

Cũng theo Viện trưởng CIEM, chính cách thức điều hành đó đã khiến chúng ta dường như quên đi cải cách, chỉ chú ý đến mục tiêu ngắn hạn, lơ đi yếu tố thị trường.

“Đề án tái cơ cấu kinh tế với 3 kịch bản như hiện nay, chỉ cần thêm 2 yêu cầu là thắt chặt chi tiêu Nhà nước (để giảm bội chi) và đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (để phân bố lại nguồn lực) thì GDP có tăng thêm 0,5 điểm % tăng trưởng, đạt 7% trong năm nay”, ông Cung bình luận.

Thế nhưng, thực tế mọi việc dường như đang đi ngược lại. Trong khi, để đạt được sự tái cơ cấu thực sự thì cái cần nhất là “nhà nước nhỏ đi - nhưng thông minh hơn, hiệu quả hơn và thị trường phải lớn lên thì tái cơ cấu mới đạt được mục đích”.

Cùng với đó, thị trường sản phẩm dịch vụ phải là thị trường cạnh tranh, đặc biệt là thị trường đất đai, phải chuyển được tài sản đất đai thành vốn.

Nhưng theo ông Nguyễn Đình Cung, cách thay đổi này là “cực kỳ khó khăn, bởi nó không chỉ nằm ở tư duy mà còn nằm ở quyết tâm thực hiện, thậm chí là có cả chống đối vì nếu thay đổi thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của một nhóm lợi ích nào đó trong bộ máy”.

Một dẫn chứng khác được Viện trưởng CIEM đưa ra để nói cho sự trì trệ của Việt Nam là môi trường kinh doanh. Cụ thể là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 thì chỉ tăng được 11 bậc (93 lên 82), nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh lại tụt 10 bậc. Nhiều thứ trong Luật Doanh nghiệp vốn không có lại đặt thêm ra.

“Indonesia trong vài năm họ tăng mấy chục bậc về môi trường kinh doanh nhưng vừa rồi họ vẫn mời tôi sang để chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, thì cũng cho thấy những nghịch lý của chúng ta”, ông Cung chia sẻ.

“Tái cấu trúc cần ban chỉ đạo”

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) nhận xét, dường như mọi thứ chúng ta đều thấy, có những việc không phù hợp, song để thay đổi tư duy điều hành là không dễ.

Cùng với đó, đà cải cách trong nước hiện vẫn ít áp lực từ các hiệp định về kinh tế vì chưa được chính thức thông qua, từ đó làm cho cả hệ thống thiếu động lực chuẩn bị sớm. Chúng ta vẫn thường nói “chủ động hội nhập”, song hành động lại có tính chất “ứng phó”.

Có mặt tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thời gian qua, có không ít ý kiến đóng góp, tham vấn cả trong và ngoài nước đặt ra cho chúng ta và đều được thừa nhận là “đúng đắn”, nhưng tại sao chúng ta không làm theo, không làm được?

“Đơn cử như mục tiêu tăng trưởng GDP, ít nhất phải có 2-3 kịch bản khác nhau cho tăng trưởng, tại sao lại cứ khăng khăng là 6,7%?”, bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.

“Nhà nước là người làm bộ máy, đưa ra các mục tiêu, chính sách nhưng họ chưa thấy được sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh hiện nay. Nếu không nhận thức nổi sự thay đổi đó thì chắc chắn sẽ giữ mục tiêu “cứng” và cứ loay hoay mãi với nó”, bà Lan nói.

Theo chuyên gia Lê Đình Ân, câu chuyện tái cấu trúc kinh tế đã nói nhiều quá nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Lý do là bởi tư duy nhiệm kỳ quá lớn.

“Thực tế đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có mô hình tăng trưởng rõ ràng, lại không có tổ chức tốt để tái cấu trúc. Nếu chỉ giao các bộ, các doanh nghiệp làm đề án thì 5 năm nữa cũng không có kết quả. Tái cấu trúc nền kinh tế phải có một ban chỉ đạo chuyên biệt”, ông Ân đề xuất.

Cũng theo ông, hàng loạt những vấn đề có dấu hiệu bất thường của nền kinh tế cũng cần phải làm rõ, trong đó là GDP quý 3 tăng đột biến, trong khi phần lớn các chỉ số cơ bản vẫn giữ nguyên, thậm chí xuất khẩu giảm so với quý 2...

Rồi trong khi thanh khoản của các ngân hàng thương mại không có dấu hiệu bất thường nhưng tại sao dư nợ tín dụng không tăng lên được, lãi suất cho vay vấn án binh bất động so với đầu năm.

Theo ông Lê Đình Ân, ngọn nguồn vẫn có nguyên nhân cốt yếu từ điều hành, khi mà Nhà nước vẫn trực tiếp điều hành giá cả nhiều mặt hàng trong khi chỉ nên tham gia điều tiết, cũng như không nên tham gia vào các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt.