11:43 20/10/2017

Cần 270 nghìn tỷ đầu tư cho đặc khu Vân Đồn trong 12 năm

Nguyên Vũ

50% số này dự kiến sẽ huy động trong nước và 50% huy động từ nước ngoài

Một góc sân bay Quảng Ninh đang được đầu tư xây dựng bằng nguốn vốn tư nhân.
Một góc sân bay Quảng Ninh đang được đầu tư xây dựng bằng nguốn vốn tư nhân.
Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2018-2030 cho Vân Đồn cần khoảng 270 nghìn tỷ đồng, 50% huy động trong nước và 50% huy động nước ngoài - Quảng Ninh dự kiến tại đề án thành lập Đặc khu Vân Đồn.

Đề án vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ cho chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội thứ tư, sẽ được khai mạc ngày 23/10 tới.

Nguồn vốn dự kiến trên được tính toán nhằm tạo cho Vân Đồn có bước phát triển nhanh, bền vững, trở thành động lực lan toả tới các địa phương khác và đạt các mục tiêu theo định hướng phát triển.

Nguồn vốn trên được phân kỳ theo hai giai đoạn. 

Giai đoạn 2018- 2022 (giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng tạo nền tảng thu hút đầu tư) cần khoảng 164,85 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 2023-2030 tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần khoảng 105,15 ngàn tỷ đồng. Trong đó vốn trong nước 36,75 ngàn tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước 8.400 tỷ đồng), vốn nước ngoài khoảng 68,4 ngàn tỷ đồng.

Nguồn vốn trên tập trung ưu tiên đầu tư 42 dự án, công trình. Trong đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế khoảng 109 ngàn tỷ đồng; Hạ tầng dịch vụ, du lịch, thương mại 127,25 ngàn tỷ đồng. Hạ tầng y tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ khoảng 11,85 ngàn tỷ đồng. Nhóm các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp sạch- khu phi thuế quan và các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh khác khoảng 21,9 ngàn tỷ đồng. 

Với nguồn vốn tư nhân khoảng 108,5 ngàn tỷ đồng cho giai đoạn này, Quảng Ninh cho biết sẽ huy động được. 

Đề án thông tin, hiện nhà đầu tư chiến lược Sun Group đang triển khai dự án cảng hàng không Quảng Ninh (giai đoạn 1 hoàn thành trong năm 2017) và sẽ tiếp tục đầu tư 1.500 tỷ đồng để nâng quy mô lên 5 triệu khách/năm. Tập đoàn này cũng đang đề xuất dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp với tổng mức đầu tư khoảng 48.500 tỷ đồng. 

Tập đoàn FLC đang đề xuất nghiên cứu đầu tư khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 46 ngàn tỷ đồng - tương đương 2 tỷ USD. Một số nhà đầu tư trong nước (CEO, MBland, Crytal Plate, HD Moon..) đang nghiên cứu đầu tư một số dự án khác. 

Khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đáp ứng được nhu cầu, theo đánh giá của Quảng Ninh.

Đối với nguồn vốn ngân sách (khoảng 26.400 tỷ đồng) được xác định tại đề án là để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống công trình phụ trợ đến chân hàng rào công trình; các dự án hạ tầng xã hội, an sinh xã hội, môi trường, cải cách hành chính... trước mắt, đến 2022 sẽ cần 18.000 tỷ đồng. 

Quảng Ninh dự kiến ngân sách tỉnh dành khoảng 7.500 tỷ đồng bổ sung cho đặc khu Vân Đồn. Số vốn còn thiếu (10.500 tỷ đồng), đề nghị ngân sách Trung ương có cơ chế bổ sung có mục tiêu trong thời gian 5 năm kể từ năm 2018 cho đặc khu Vân Đồn, bình quân 2.100 tỷ đồng/năm.

Giai đoạn 2023-2030, nhu cầu vốn bình quân 1.050 tỷ đồng/năm được cân đối từ dự toán ngân sách hàng năm của Đặc khu Vân Đồn (do số thu ngân sách của Vân Đồn đã cân đối được chi thường xuyên và có kết dư để bổ sung vốn chi đầu tư). 

Về khả năng huy động 135 nghìn tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD) nguồn vốn nước ngoài, Quảng Ninh cũng nhìn nhận là có tính khả thi cao. 

Theo đề án, từ 2014 - đến 2016 tổng số vốn FDI thu hút vào tỉnh đạt 1.787 tỷ USD (trung bình gần 600 triệu USD/năm). Tuy nhiên, tổng đầu tư FDI đã thu hút trên địa bàn Vân Đồn đến thời điểm hiện tại mới có 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 131,4 triệu USD; 14 dự án ODA, NGOs, tổng vốn đầu tư 4,9 triệu USD. 

Một nội dung đáng chú ý khác tại đề án là nhu cầu kinh phí chi thường xuyên. Đề án nêu, dự kiến khi đặc khu Vân Đồn được thành lập, nhiều cơ chế, chính sách mới mang tính đặc thù sẽ được áp dụng. Như, được áp dụng mức lương cơ sở bằng hai lần mức lương cơ sở chung, ký hợp đồng làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công chức theo mức lương thỏa thuận gắn với hiệu quả công việc. Thực hiện chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ban hành một số nội dung chi, mức chi đặc thù ngoài chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành... 

Dự kiến kinh phí chi thường xuyên đảm bảo hoạt động của bộ máy đặc khu từ năm 2018 đến năm 2030 khoảng 17.754 tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ 2018-2022 cần 4.420 tỷ đồng, trung bình 884 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2023-2030 là 13.334 tỷ đồng, trung bình 1.666 tỷ đồng/năm. 


Giai đoạn 2018-2022, dự kiến thu ngân sách khoảng 4.590 tỷ đồng, trong đó tổng thu trừ tiền sử dụng đất để cân đối chi thường xuyên là 3.805 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn này ngân sách tỉnh phải bổ sung cân đối cho đặc khu Vân Đồn khoảng 615 tỷ đồng để đảm bảo chi thường xuyên.

Năm 2021, đặc khu Vân Đồn đã tự cân đối được chi thường xuyên và có kết dư để bổ sung chi thường xuyên 186 tỷ đồng, năm 2020 kết dư 415 tỷ đồng.

Quảng Ninh dự kiến, giai đoạn 2023-2030, ngoài việc tự cân đối được chi thường xuyên, đặc khu còn có kết dư để cân đối chi đầu tư phát triển khoảng 35.838 tỷ đồng.