16:55 30/05/2016

Có thể khắc phục “chủ nghĩa thân hữu” ở Việt Nam không?

Nguyễn Lê

Báo cáo “Việt Nam 2035” đưa ra những ngôn ngữ mà báo cáo chính thống trước đây chưa dùng đến

Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ để xây dựng thể chế hiện đại.
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ để xây dựng thể chế hiện đại.
Trong thời gian ngắn, có thể khắc phục được “chủ nghĩa thân hữu” ở Việt Nam hiện nay hay không, là câu hỏi được chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đưa ra tại hội thảo "Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hoá thể chế".

Hội thảo này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng tổ chức, sáng 30/5 tại Hà Nội.

Khát vọng 2035

Báo cáo tổng quan “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do WB cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thực hiện đã được công bố vào đầu năm nay.

Được thực hiện trong gần hai năm, báo cáo gồm 7 chương nghiên cứu sâu với ba trụ cột: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội, tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.

Để hiện thực hoá khát vọng 2035, báo cáo cho rằng cần phải thực hiện 6 đột phá. Gồm: xây dựng thể chế hiện đại; hiện đại hoá nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoà nhập xã hội; tăng trưởng có khả năng chống chọi với khí hậu; chuyển dịch không gian phát triển.

6 đột phá này, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đều có liên quan đến trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Những định hướng tầm nhìn 20 năm đã đem lại niềm tin doanh nghiệp bởi doanh nghiệp cần tầm nhìn dài hạn để yên tâm định hướng sản xuất kinh doanh.

Cả Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đều nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong hiện đại hoá nền kinh tế.

Các vị diễn giả khác cũng đều cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong cải cách thể chế.

Ba nhóm “thân hữu”

Là một chuyên gia trực tiếp tham gia xây dựng báo cáo, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, Việt Nam 2035 là một trong những báo cáo đưa ra cách tiếp cận khá mạnh và  nhìn thẳng được vào những vấn đề của Việt Nam. Trong báo cáo đưa ra những ngôn ngữ mà báo cáo chính thống trước đây chưa dùng đến, ví dụ như “chủ nghĩa thân hữu”, bà Lan cho biết.

“Trong báo cáo và đặc biệt là trong phát triển khu vực tư nhân, chúng tôi nói thẳng là ở Việt Nam, không chỉ có sự phân biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp tư nhân trong nước, mà còn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp thân hữu và doanh nghiệp không thân hữu. Doanh nghiệp thân hữu gồm có ba nhóm là doanh nghiệp nhà nước, một số lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số ít doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam. Còn lại là doanh nghiệp không thân hữu, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Lan nói, và thêm một lần nhấn mạnh rằng đó là cách tiếp cận rất mạnh dạn.

Với câu hỏi có thể khắc phục “tình trạng thân hữu” như đã nói trên trong thời gian ngắn hay không của bà Lan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, thay đổi là một quá trình, nên việc đó khó có thể diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng, 5 năm thì có thể chuyển động được.

Nguyên nhân sâu xa, theo Viện trưởng CIEM, là do ở Việt Nam thiếu thị trường. Vì thế cần phải thay đổi, không chỉ từ Nhà nước mà cả doanh nghiệp và xã hội dân sự cũng cần phải thay đổi, đương nhiên Nhà nước phải luôn luôn đi trước.

“Việt Nam có duy nhất một đảng lãnh đạo, nếu thực sự muốn thay đổi cũng rất dễ”, ông Cung nhìn nhận. Tuy nhiên, theo ông thì muốn Nhà nước thay đổi, phải có áp lực hành chính đủ mạnh với những người đứng đầu.

Liên quan đến thay đổi về quản lý Nhà nước, ông Cung cho rằng cần thành lập cơ quan chuyên trách sử dụng quản lý tài sản quốc gia. Bởi hiện nay tài sản công rất lớn nhưng không ai biết bao gồm những gì, giá trị gia tăng là bao nhiêu và ai đang được hưởng lợi từ đó. “Chỗ này làm méo mó thị trường nhiều nhất”, Viện trưởng Cung nhấn mạnh.