06:00 14/01/2014

Đề nghị hai án chung thân trong vụ Huyền Như

Hoàng Nam

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, chính các đơn vị bị hại vì lòng tham, hám lợi nên đã không có biện pháp kiểm tra

Bị cáo Huyền Như trong phiên xét xử sáng 13/1 - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Bị cáo Huyền Như trong phiên xét xử sáng 13/1 - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ngày đầu tuần 13/1/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như bước vào phần tranh luận.

Trước khi đại diện Viện Kiểm sát phát biểu kết luận vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo, đường lối giải quyết phần trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử đã thông báo có sự thay đổi thành phần kiểm sát viên thực hành quyền công tố trước Tòa, với việc ông Trần Ngọc Quang thay thế bà Phạm Thị Thu Hà vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia phiên tòa.

Hội đồng xét xử cũng không chấp nhận kiến nghị của 5 luật sư đề nghị triệu tập lãnh đạo Vietinbank để trả lời trực tiếp các câu hỏi của luật sư.

Bản luận tội do Kiểm sát viên Trần Ngọc Quang trình bày đã mô tả lại bối cảnh và hành vi phạm tội của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, bắt đầu từ năm 2007 khi vay mượn của nhiều cá nhân nhằm kinh doanh bất động sản, cổ phiếu, dẫn đến bị thua lỗ nặng, nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, từ đó nảy sinh ý thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các tổ chức, cá nhân, liều lĩnh thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Như đã trực tiếp tiếp cận với các đơn vị, cá nhân bị hại, đưa ra các khoản lãi suất hấp dẫn ngoài hợp đồng, từ đó dùng thủ đoạn gian dối như làm giả hợp đồng, con dấu giả, ký giả chữ ký của khách hàng để chiếm đoạt tiền.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, chính các đơn vị bị hại, trong đó có các thiết chế, tổ chức ngân hàng, tài chính đã vì hám lợi, tin vào Huyền Như mà phó thác cho bên nhận tiền chuyển sang các hợp đồng tiền gửi, giao dịch trực tiếp với Như bên ngoài Hội sở chính của Vietinbank, vì lòng tham, hám lợi nên không có biện pháp kiểm tra, kể cả biện pháp đơn giản là kiểm tra qua điện thoại.

Một trong những luận điểm chắc chắn sẽ gây tranh cãi dữ dội với các luật sư khi đại diện Viện Kiểm sát cho rằng hành vi lừa đảo của Như đã hoàn thành ngay từ khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Vietinbank (!?). Do đó, đối với các yêu cầu của các tổ chức, cá nhân bị hại buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường các khoản tiền do Như chiếm đoạt là không có cơ sở.

Bên cạnh việc phân tích hành vi giúp sức Huyền Như lừa đảo với vai trò đồng phạm của Võ Anh Tuấn, Nguyễn Thị Lành, Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên, Đào Thị Tuyết Dung, cũng như hành vi phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phạm Anh Tuấn (Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương), đại diện Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo là nhân viên các phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Tần... trong quá trình thực hiện đã không làm đúng quy trình được Ngân hàng Nhà nước và Vietinbank quy định, tin vào lời nói dối vô căn cứ của Huyền Như, bỏ qua sự có mặt và chữ ký của khách hàng, tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng, gây hậu quả cho ngân hàng ACB, nên có căn cứ truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng giữ nguyên quan điểm buộc tội về “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “cho vay nặng lãi” đối với các bị cáo còn lại.

Căn cứ vào các lập luận nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn mức án tù chung thân, Huỳnh Mỹ Hạnh 16-18 năm tù, Trần Thị Tố Quyên từ 17-19 năm tù, Đào Thị Tuyết Dung từ 16-18 năm tù, Nguyễn Thị Lành 10-12 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các bị cáo thuộc nhóm nhân viên các phòng giao dịch Vietinbank với mức án tù có thời hạn rất cao từ 10 đến 18 năm tù, Phạm Anh Tuấn từ 13-15 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và mức án nặng cho nhóm các bị cáo thuộc tội danh “cho vay nặng lãi”...

Đặc biệt, bên cạnh các kiến nghị liên quan việc bỏ sót một số cá nhân có dấu hiệu phạm tội, giúp sức cho Huyền Như, đại diện Viện Kiểm sát đã chính thức kiến nghị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của hai phó tổng giám đốc Vietinbank Chi nhánh Tp.HCM là Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng, đồng thời để đảm bảo sự công bằng như các trường hợp lãnh đạo ACB, kiến nghị khởi tố hành vi cố ý làm trái của lãnh đạo một số ngân hàng có liên quan trong vụ án này...

Ngay sau khi Viện Kiểm sát kết thúc phần luận tội, các luật sư bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như đã phát biểu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình, nêu lên bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, trong đó nhắc đến sự buông lỏng và môi trường quản lý thiếu chặt chẽ của cán bộ lãnh đạo Vietinbank.

Bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh đến sự “mờ nhạt” trong chứng cứ buộc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm của Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), khi chính Tuấn bị Như giả mạo cắt dán hợp đồng, 10 giấy xác nhận không liên quan đến khoản tiền 80 tỷ đồng bị chiếm đoạt (trong quan hệ với Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương), giả mạo toàn bộ con dấu chi nhánh Nhà Bè và chữ ký của Tuấn để chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên và không chiếm hưởng 10 tỷ đồng thực chất là khoản đầu tư có được từ quá trình kinh doanh địa ốc và chứng khoán từ năm 2007-2008 vào nhà máy lau bóng gạo ở An Giang.

Trong buổi chiều 13/1/2014, các luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm tội đồng phạm lừa đảo và cho vay lãi nặng như Huỳnh Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung và Nguyễn Thiên Lý cũng đã được Hội đồng xét xử tạo điều kiện trình bày không hạn chế quan điểm bào chữa.