15:48 25/12/2015

Dự án giảm nghèo và những hiệu ứng ban đầu

Ngọc Diệp

Người dân đã được tập huấn kỹ thuật, “cầm tay chỉ việc” ngay tại ruộng

Theo phản ánh của khá nhiều nông dân tham gia dự án, họ hài lòng với tiến độ và hiệu quả dự án mang lại, bởi đến thời điểm hiện tại, dù chỉ mới có 6 tháng nhưng dự án đã giúp giải quyết được phần nào nạn đói trước đây.<br>
Theo phản ánh của khá nhiều nông dân tham gia dự án, họ hài lòng với tiến độ và hiệu quả dự án mang lại, bởi đến thời điểm hiện tại, dù chỉ mới có 6 tháng nhưng dự án đã giúp giải quyết được phần nào nạn đói trước đây.<br>
Dự án giảm nghèo do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ được thực hiện tại 130 xã của 26 huyện nghèo thuộc 6 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sau một thời gian triển khai, dự án và các tiểu dự án đã mang lại những kết quả tương đối tích cực, nhưng nỗi lo tái nghèo hậu dự án thì vẫn còn.

Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 26 huyện là khoảng 49% trong tổng số khoảng 1,2 triệu dân, trong đó hơn 50% là người dân tộc thiểu số như H're, Giẻ Triêng, Bana, Ê-đê, Mơ nông.

Được thực hiện tại 6 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi trong thời gian từ năm 2014-2019, dự án có tổng quy mô 165 triệu USD từ vốn vay WB và vốn đối ứng ngân sách.

Bớt đói ngày giáp hạt

Đến nay các hoạt động của dự án trong đó các tiểu dự án sinh kế do người dân đề xuất đã và đang được triển khai theo kế hoạch. Nhiều tiểu dự án sinh kế, an ninh lương thực đang có những tác động tích cực ban đầu đến cuộc sống của người dân.

Theo khảo sát của dự án, tại địa bàn các xã Sơn Cao, Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) hay huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc), tình trạng đói giáp hạt xảy ra trước đây xảy ra khá thường xuyên, mỗi năm người dân phải chịu đói từ 2-3 tháng.

Dự án đã hỗ trợ cho người nông dân những khu vực này trồng giống lúa mới có năng suất cao hơn. Bên cạnh hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật gieo trồng, dự án còn hỗ trợ người dân  trong khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Nếu như trước đây người dân thường canh tác theo tập quán, bón phân và phun thuốc không đúng thời điểm, năng suất bấp bênh thì nay người dân đã được tập huấn kỹ thuật, “cầm tay chỉ việc” ngay tại ruộng. Sau vụ trồng đầu tiên, năng suất lúa đã tăng thêm 4-5 tạ/ha.

Theo phản ánh của khá nhiều nông dân tham gia dự án, họ hài lòng với tiến độ và hiệu quả dự án mang lại, bởi đến thời điểm hiện tại, dù chỉ mới có 6 tháng nhưng dự án đã giúp giải quyết được phần nào nạn đói trước đây.

Ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng thuộc vụ, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban điều phối trung ương dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên nhận xét, các tiểu dự án sinh kế như nuôi bò, nuôi gà, nuôi lợn, trồng lúa, trồng ngô sau khi triển khai từ 6 tháng đến 1 năm đều mang lại kết quả tích cực.

Với sự theo sát của của cán bộ tập huấn, ông hy vọng người dân sẽ vẫn giữ được cách làm mới, tiếp tục tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình, cho dù dự án đã được rút đi.

Vẫn lo tái nghèo


Câu chuyện người dân đấu thầu xây dựng các công trình hạ tầng cấp xã, thôn bản tại thôn Gò Da, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà… đã trở thành một câu chuyện điển hình về đầu tư hạ tầng tại các vùng nghèo.

Dự án cho phép người dân tự đứng ra thành lập nhóm đấu thầu cộng đồng để tự xây dựng đường, mua vật liệu, tự tuyển dụng nhân công địa phương. Kết quả cho thấy với 180 m đường trước đây luôn lầy lội, mấp mô được hoàn thành với khoản kinh phí chỉ “tốn” hơn 190 triệu đồng.

Chất lượng đường đưa vào sử dụng được đánh giá tốt, không chỉ tránh được tình trạng lãng phí mà còn  giúp tạo thêm việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân tại địa phương.

Cụ thể, mỗi lao động tham gia xây dựng đường được trả công 150 nghìn đồng/ngày, kèm bữa ăn trưa. Tiêu chí “xã có công trình, dân có việc làm” đã được  thực hiện, người dân làm chủ những dự án phục vụ cho chính quyền lợi của họ.

Bên cạnh những dự án liên quan đến trồng lúa và hạ tầng, nhiều tiểu dự án sinh kế khác như nuôi bò, lợn… cũng được thực hiện thông qua việc hỗ trợ cho những đối tượng hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Các cộng tác viên dinh dưỡng cũng được mời tập huấn theo các chủ đề lồng ghép dinh dưỡng vào dự án, đồng thời tiến hành đào tạo cấp cơ sở để từ đó phổ biến kiến thức đến từng gia đình.

Dự án và các tiểu dự án sinh kế theo đánh giá chung đã có những tác động ban đầu trong xoá đói giảm nghèo tại các vùng dự án triển khai. Tuy nhiên, người dân vùng dự án vẫn còn đối diện với không ít vấn đề khó khăn và nan giải, như thiếu nước tưới tiêu và sinh hoạt. Nỗi lo tái nghèo sẽ vẫn là vấn đề thường trực sau khi các tiểu dự án kết thúc.