11:09 25/10/2015

Khoán xe công và chia sẻ của một người trong cuộc

Nguyên Vũ

Một xe ôtô công trung bình mỗi năm ngốn của ngân sách khoản chi phí khoảng 320 triệu đồng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nói ông thấy khá thoải mái khi nhận khoán xe công.<br>
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nói ông thấy khá thoải mái khi nhận khoán xe công.<br>
Theo con số được Bộ Tài chính mới công bố, một xe công trung bình mỗi năm tiêu tốn của ngân sách khoản chi phí khoảng 320 triệu đồng.

Và như thế, với 40.000 xe công (chưa kể xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước), mỗi năm, nhà nước sẽ tiêu tốn khoản chi thường xuyên tới gần 13.000 tỷ đồng.

Khoán kinh phí xe công đang được xem là một phương thức để thay thế, giảm lượng xe công nhằm san sẻ gắng nặng cho ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ trương này không phải bây giờ mới có, song dù biết rõ là lợi cả đôi đường - người nhận khoán và Nhà nước - song vượt qua “rào cản” tâm lý cũng không phải dễ dàng.

Một số vị quan chức thuộc diện được khoán xe chia sẻ là sẽ rất vui vẻ thực hiện việc nhận khoán xe nếu đó là quy định phổ biến, để áp dụng chung trong hệ thống các cơ quan nhà nước, sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách khoản chi phí rất lớn.

Còn hiện tại, rất nhiều người… can việc nhận khoán với những lý do rất tế nhị. Chuyện đó cũng tương tự như việc một cán bộ Quốc hội trước đây định xin trả nhà công vụ sau khi nghỉ hưu cũng không được ủng hộ, động viên, vì quyết định đó quá “đụng chạm”, “chơi trội” trong bối cảnh chung hiện nay.

Tuy nhiên, không phải ai cũng e ngại như thế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng trao đổi với báo chí rằng, bản thân ông thấy nhận khoán xe công khá thoải mái, chủ động nhưng cũng có phần “chạnh lòng” vì sự phân biệt xe biển xanh - biển trắng. Cơ chế tài chính cũng chưa động viên được nhiều cán bộ lựa chọn khoán xe thay vì có xe phục vụ.

Ông Hùng chia sẻ, ông đang nhận khoán tiêu chuẩn xe công với mức kinh phí 10 triệu đồng/tháng. Việc nhận khoán xe, theo ông thì nhìn chung đáp ứng được yêu cầu đối với công việc.

“Với cá nhân tôi thấy khoán xe cũng thoải mái, chủ động, không nhất thiết cần phải có một xe công phục vụ riêng”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên thì theo ông, trong một số trường hợp không có xe phục vụ, không phải đi bằng xe công cũng bất lợi đôi chút cho công việc. Chẳng hạn, trong quy định về việc khoán xe, nếu nhận khoán, việc đi lại, di chuyển trong nội thành cán bộ nhận khoán phải tự lo phương tiện.

Và khi tới các bộ ngành dự họp, cán bộ đi taxi hoặc xe riêng - xe biển trắng- thì việc đậu đỗ xe hay qua cửa kiểm soát, bảo vệ không được thuận lợi, nhanh chóng như xe biển xanh.

So sánh chi phí tài chính, giữa mức khoán 10 triệu đồng/tháng cho người nhận khoán xe và mức chi phí 320 triệu đồng/xe/năm với người chọn xe công phục vụ, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói: “nhìn chung, không chỉ riêng tôi đâu, các cán bộ nhận khoán xe ở các cơ quan của Quốc hội đều thấy là việc này lợi cho ngân sách rất nhiều”.

Nhưng, so sánh về tài chính giữa việc nhận kinh phí khoán hay nhận xe phục vụ, theo đại biểu Hùng cũng chỉ là một khía cạnh, yêu cầu quan trọng nhất là phải đảm bảo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Hùng nhận xét, xét về cái chung, chủ  trương khoán xe nói riêng và khoán một số chi tiêu khác là đúng hướng, vừa tiết kiệm cho ngân sách, vừa tạo ra những suy nghĩ thiện cảm hơn cho người dân, cơ bản là cũng thuận lợi cho người trong cuộc.

Ông Hùng cũng cho rằng, tùy từng cơ quan, tình chất công việc nên có mức khoán linh hoạt khác nhau, không chỉ dừng ở việc đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc để khi có công vụ đột xuất, các chức danh có tiêu chuẩn xe phục vụ cũng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc. Bên cạnh đó cần nghiên cứu về mức khoán phù hợp để động viên được người nhận khoán.

Có lẽ vì còn không ít băn khoăn như vậy nên tỷ lệ cán bộ công tác tại Quốc hội như Phó chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng nhận khoán xe không nhiều. Cụ thể ở Ủy ban Về các vấn đề xã hội, chỉ có đại biểu Hùng và một người đồng cấp khác nhận khoán xe, tức là 2/10 người (trừ Chủ nhiệm không thuộc diện đối tượng khoán xe).

Cá nhân khá thoải mái, song ông Hùng vẫn cho rằng, chỉ nên động viên, khuyến khích người nhận khoán xe công, không nên quy định “cứng” việc khoán xe với toàn bộ các đối tượng thuộc diện này, mà để người có tiêu chuẩn xe công được lựa chọn. Vì không phải ai cũng có xe cá nhân hay biết lái xe hoặc điều kiện đi lại không cho phép họ tự lái.