17:14 23/07/2015

Không nhiều người Việt hài lòng với kinh tế hiện nay

Hoàng Anh Minh

Một bản báo cáo cho thấy nhiều điểm đáng lưu ý trong cảm nhận của người Việt về “kinh tế thị trường”

Thừa nhận "yêu" kinh tế thị trường song nhiều người dân vẫn "mong nhà nước bảo hộ giá cả".<br>
Thừa nhận "yêu" kinh tế thị trường song nhiều người dân vẫn "mong nhà nước bảo hộ giá cả".<br>
Bản báo cáo mang tên “Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014” (CAMS 2014) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố sáng 23/7 tại Hà Nội cho thấy nhiều điểm đáng lưu ý trong cảm nhận của người Việt về “kinh tế thị trường”.

“Nền kinh tế lưỡng thể”

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI và là thành viên nhóm thực hiện CAMS 2014, chưa có sự khác biệt đáng kể trong đánh giá của người dân về tính chất nhà nước hay thị trường của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 5 người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường, thì cũng có gần 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản là nền kinh tế nhà nước.

“Điều này cho thấy ở Việt Nam, trên thực tế hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế lưỡng thể”, ông Tuấn nói.

Về tốc độ cải cách kinh tế, 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi 36% cảm thấy tốc độ này còn chậm.

Báo cáo còn cho hay đa số những người ủng hộ nền kinh tế thị trường vẫn muốn “có bàn tay can thiệp của nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu”.

Đây là phát hiện đã được công bố từ báo cáo CAMS năm 2011, nhưng điểm đáng chú ý là tỷ lệ người có quan điểm này này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với 2011.

“Việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam có thể chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của nhà nước”, báo cáo viết.

Chỉ 20% hài lòng với tình hình hiện nay


Một kết quả đáng chú ý khác là khoảng 1/2 số người tham gia khảo sát cho rằng giá cả hàng hóa thiết yếu được quyết định bởi thị trường.

Số còn lại cho biết phần lớn giá cả các nhóm mặt hàng này được điều chỉnh bởi các quy định của nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có 47% đánh giá chương trình này là hiệu quả.

Bên cạnh đó, chỉ 19% người trả lời khảo sát đánh giá cao mức độ đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước lớn vào nền kinh tế là tích cực/rất tích cực, trong khi tỉ lệ đánh giá tiêu cực ở mức 29%.

Đáng chú ý nhất chính là việc chỉ có 20% người trả lời khảo sát hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước.

Đồng thời, 47% số người trả lời bày tỏ lo ngại trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở Việt Nam.

Ở khía cạnh tích cực, có 63% người tham gia điều tra tin tưởng thế hệ tương lai sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường “vẫn còn gặp không ít gian nan” và “sự ngập ngừng trong những bước đi cải cách những năm qua và tình trạng lưỡng thể của thể chế đang là vấn đề lớn nhất hiện nay”.

Tuy nhiên, điều tích cực là khảo sát CAMS 2011 và 2014 cho thấy phần lớn người dân Việt Nam ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, ủng hộ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và ủng hộ sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, ủng hộ chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công…

“Họ tin rằng, thị trường và xã hội có thể làm kinh doanh và dịch vụ công tốt hơn các cơ quan nhà nước”, ông Lộc nhấn mạnh.