16:30 23/01/2016

“Nếu Đại hội không cho rút, các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử”

Minh Thúy

Thượng tướng Võ Tiến Trung trả lời câu hỏi của báo chí bên lề Đại hội Đảng lần thứ 12 về vấn đề nhân sự

Chiều 23/1, Đại hội Đảng lần thứ 12 nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá 12.<br>
Chiều 23/1, Đại hội Đảng lần thứ 12 nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá 12.<br>
“Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dù lớn tuổi nhưng được Trung ương đồng ý là trường hợp đặc biệt để tái cử vào chức danh Tổng Bí thư khóa 12. Các đồng chí còn lại hoàn toàn tự nguyện và Trung ương đã hết sức dân chủ cho phép rút”, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng trả lời câu hỏi của báo chí bên lề Đại hội Đảng lần thứ 12 về vấn đề nhân sự.
 
Đại hội có quyền cao nhất

Theo nhiều bản tin, bài báo của các hãng tin quốc tế có đưa tin liên quan tới hai tên tuổi cho chức danh cao nhất là Tổng bí thư, gồm có đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông có bình luận gì về thông tin này?

 
Cũng có nhiều người giới thiệu phương án là Trung ương để lại một đồng chí làm Tổng bí thư. Tuy nhiên, trong Trung ương có giới thiệu 4 người ở lại với cương vị này, với đồng chí Nguyễn Phú Trọng là 5. Ông Nguyễn Phú Trọng là người được Bộ Chính trị thống nhất giới thiệu ra Trung ương.

Tuy nhiên, cả 4 người này đều làm đơn báo cáo lên Trung ương xin rút khỏi vị trí Tổng bí thư.

Hội nghị Trung ương 14 đã làm rất dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút mà đã đưa ra trước Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu kín, để kết luận cho phép rút hay không.

Thì cả 4 đồng chí - trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - được cho phép rút, chỉ còn mình đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lại để ứng cử vào chức vụ Tổng bí thư khoá 12.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dù lớn tuổi nhưng được Trung ương đồng ý là trường hợp đặc biệt để tái cử vào chức danh Tổng bí thư khóa 12. Các đồng chí còn lại hoàn toàn tự nguyện và Trung ương đã hết sức dân chủ cho phép rút.
 
Vì sao cho phép ông Dũng rút mà không cho ông Trọng rút, thưa ông?

 
Ông Trọng là do Bộ Chính trị thống nhất giới thiệu, sau đó báo cáo ra Trung ương.
 
Tức là Bộ Chính trị đã giới thiệu thì không cần xin rút?
 

Đúng rồi, Bộ Chính trị đã thống nhất cao khi giới thiệu ra Trung ương.
 
4 người đó đã xin rút. Nhưng trong Đại hội, nếu có đại biểu ngoài Trung ương lại đề cử 4 đồng chí này thì thế nào?

 
Thì vẫn được.

Và nếu các đồng chí đó xin rút hoặc không xin rút thì Đại hội vẫn sẽ phải bỏ phiếu hoặc biểu quyết, để đưa ra quyết định cuối cùng là có cho rút hay không.

Đại hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất.
 
Nếu Đại hội bỏ phiếu quá bán không cho rút, thì các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử.

“Đại biểu hoàn toàn có quyền tự ứng cử”
 
Báo cáo về nhân sự Trung ương khoá 12 chiều hôm nay có cơ cấu thế nào, thưa ông?

 
Tôi nhớ không nhầm là nữ trên 10%, dưới 40 tuổi cũng trên 10%, xin lỗi số này tôi không nhớ rõ lắm.

Về địa phương thì 63 tỉnh, thành đều có uỷ viên Trung ương, riêng Tp.HCM và Hà Nội thì mỗi địa phương thêm hai người, là 67.

Bộ Quốc phòng có 20 đồng chí và 2 đồng chí Bộ Quốc phòng cử sang Quốc hội là 22 đồng chí.

Công an thì có 5 - 6 đồng chí gì đó.

Thưa ông, hiện giờ đã có ai tự ứng cử vào Trung ương chưa?

 
Hiện giờ chưa có ai tự ứng cử. Chưa có thông tin vì chiều nay bắt đầu họp đoàn, đồng chí trưởng đoàn mới phổ biến là toàn Đảng có bao nhiêu người gửi đơn đến để ứng cử.
 
Sau đó ra Đại hội mới báo cáo trong Đại hội này có những ai ứng cử, ai đề cử, số lượng bao nhiêu.

Lúc đó, Đại hội mới quyết số lượng dựa trên số dư là 30%. Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 đã giới thiệu số dư là hơn 10% (21/200 người).

Còn khoảng 20% nữa thì Đại hội sẽ bỏ phiếu những người ứng cử và đề cử thêm, lấy từ cao xuống thấp, cứ đến lúc nào đủ 30% thì thôi. Còn quá 30% thì không lấy nữa.

Quy định này là từ hội nghị Trung ương 14 đã quyết định.

Vậy hồ sơ người được giới thiệu thêm quy định như thế nào?


Tôi giới thiệu đồng chí nào để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương mới thì tôi phải có hồ sơ trích ngang, phải báo cáo trước Trung ương, trước Đại hội về đồng chí đó, và đồng chí đó phải cung cấp hồ sơ để các đại biểu trong Đại hội đọc để xem xét đồng chí đó có xứng đáng không.

Nghĩa là, ông định giới thiệu ai, thì ông phải chuẩn bị hồ sơ của người đó để báo cáo ra Đại hội khi đề cử họ?


Dĩ nhiên, trước Đại hội đã hướng dẫn, nếu muốn giới thiệu ai (người mới không trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 11) thì được hướng dẫn trước Đại hội chuẩn bị hồ sơ đó.

Cái này sau hội nghị Trung ương 13 đã có hướng dẫn.

Quyền tự ứng cử của Đảng viên có được đảm bảo, thưa ông?


Hoàn toàn tự do, trong điều lệ Đảng đã nói rất rõ rồi.

Muốn ứng cử thì phải gửi đơn ứng cử lên Đại hội kèm với hồ sơ lý lịch, nhận xét của địa phương.

Tại Đại hội, có người tự đứng dậy giới thiệu mà không có hồ sơ thì có được không, thưa ông?


Được chứ. Ban Tổ chức Trung ương lưu lại tất cả hồ sơ của các đảng viên, nên nếu cần người ta sẽ chuẩn bị.

Tất nhiên là trừ những người thuộc Ban Chấp hành khóa 1 vì những người này đã được giới thiệu tại các hội nghị Trung ương 12, 13, 14 rồi và chốt danh sách rồi. Như tôi không được quyền giới thiệu đề cử nữa, vì tôi phải làm điều đó ở các hội nghị Trung ương vừa qua rồi. Biểu quyết rồi, thông qua danh sách đó rồi.

Còn đại biểu bình thường thì được, chiều nay và ngày mai họp đoàn, anh hoàn toàn có quyền làm việc đó.

Và anh nói rằng tôi biết rất rõ người đó, người đó đã trải qua quá trình công tác ra sao, công lao, đạo đức thế nào, nhưng vì không có thời gian chuẩn bị hồ sơ thì anh cứ giới thiệu thôi, còn Ban Tổ chức Trung ương sẽ có trách nhiệm tìm và chuẩn bị hồ sơ người đó giúp Đại hội.