11:28 20/05/2010

Người bạn cũ với vóc dáng mới

Hà Thắng

Tổng thống Cộng hòa Phần Lan nói về quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Phần Lan

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Tổng thống Cộng hòa Phần Lan Tarja Halonen trong chuyến thăm Việt Nam cách đây hai năm của bà Tarja Halonen.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Tổng thống Cộng hòa Phần Lan Tarja Halonen trong chuyến thăm Việt Nam cách đây hai năm của bà Tarja Halonen.
"Chúng tôi thấy ở Việt Nam là một người bạn cũ với một vóc dáng mới", bà Tarja Halonen, Tổng thống Cộng hòa Phần Lan, nói về quan hệ song phương giữa hai nước, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi nhân chuyến thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ 19/5/2010.

Thưa Tổng thống, xin cho biết đánh giá của bà về triển vọng đẩy mạnh quan hệ song phương giữa hai nước và thông điệp mà bà sẽ gửi đến Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhân chuyến thăm này?

Tôi muốn nói là rõ ràng hai nước chúng ta là những người bạn cũ. Tôi luôn luôn nói rằng mối quan hệ song phương tốt đẹp của hai nước đã có từ những năm 1970, khi Phần Lan công nhận độc lập của Việt Nam khi đất nước các bạn vẫn trong cảnh bom đạn.

Đồng thời, tôi cũng nhận thấy hiện tại Việt Nam đang là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của chúng tôi. Bạn có thể thắc mắc là tại sao thời gian qua có nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai nước như vậy. Quả thực, Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh. Việt Nam đã đi lên từ một nước kém phát triển, nghèo nàn, trải qua chiến tranh, một cuộc chiến trường kỳ. Nhưng hiện tại Việt Nam đã thành công trên con đường đổi mới và mở cửa và điều này tạo ra sự cần thiết thiết lập và đẩy mạnh quan hệ song phương bình đẳng với Việt Nam.

Thông điệp quan trọng nhất mà tôi muốn gửi là chúng tôi nồng nhiệt đón tiếp ngài Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến thăm Phần Lan, một chuyến thăm lịch sử. Tôi cũng mong là tôi sẽ có cơ hội đáp lại lòng hiếu khách của các bạn, đáp lại những gì tôi đã nhận được trong chuyến thăm Việt Nam cách đây hai năm.

Đã có những cuộc đối thoại giữa hai quốc gia. Nhưng tôi cũng hiểu rằng chuyến thăm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngài Chủ tịch nước và tôi cũng hy vọng rằng các đại biểu và các thành viên trong đoàn sẽ tận mắt nhìn thấy, hiểu rõ hơn về Phần Lan, qua đó sẽ có những suy nghĩ và nhìn nhận về mối hợp tác song phương với Phần Lan.

Điều đó có nghĩa là bà hoan nghênh việc hợp tác kinh tế - thương mại sâu hơn giữa hai nước, vậy trong chuyến thăm này dự kiến những thỏa thuận nào được ký kết, bàn bạc?

Một điều quan trọng là hai nước đã thiết lập được tình hữu nghị và sự tin tưởng. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta có điều kiện thuận lợi để triển khai các thỏa thuận quốc tế, ở tầm quốc gia. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, hai nước chúng ta, Việt Nam và Phần Lan đã là những đối tác lớn, cũng đồng thời là hai quốc gia có nhiều đóng góp cho các tổ chức khu vực mà chúng ta tham gia: Phần Lan trong Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam trong ASEAN.

Theo cách này, chúng ta cũng đang góp phần tạo ra đối thoại giữa hai khu vực. Do đó chúng ta sẽ phân biệt rõ những gì hai nước có thể tự quyết định và những gì chúng ta sẽ thực hiện thông qua các tổ chức khu vực mà chúng ta tham gia.

Ví dụ, chúng ta hiện đã ký kết những thỏa thuận song phương như thỏa thuận về đào tạo, hiệp định chống đánh thuế  hai lần và hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Dựa trên cơ sở đó, tôi hy vọng trong chuyến thăm này của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, hai bên có thể hoàn tất những thỏa thuận liên quan đến hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp hai nước, giúp họ hoạt động tích cực hơn và hợp tác song phương sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.

Chúng ta đang cố gắng có được những bước tiến hiệu quả trong tiến trình phát triển quan hệ hợp tác và đây cũng là đề tài của các buổi thảo luận giữa hai bên.

Cả hai nước đang hướng tới mục tiêu trao đổi thương mại song phương đạt 1 tỷ USD/năm trong thời gian tới. Bà nhìn nhận mục tiêu này thế nào?

Tôi nghĩ rằng có được một thỏa thuận là tốt nhưng, điều quan trọng hơn là làm thế nào để hiện thực hóa được thỏa thuận đó. Tôi rất phấn khởi khi thấy cả hai nước đều quyết tâm đạt được mục tiêu trao đổi thương mại và đầu tư song phương cao hơn.

Ngoài ra, điều tôi mong muốn là cả hai nước sẽ có sự hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực khác nữa như đổi mới công nghệ, giáo dục-đào tạo và đẩy mạnh quan hệ  đối tác. Tôi cũng thấy rằng chúng ta đều quan tâm  đến các vấn đề về môi trường. Vì đã là bạn của Việt Nam từ lâu, từ thời còn chiến tranh nên tôi biết đất nước các bạn là một trong những nước đang phải chịu hậu quả của cuộc chiến tranh sinh học.

Tôi nghĩ rằng các hệ thống máy móc hiện đại ngày nay có thể giúp các nền kinh tế chúng ta được lợi như thế nào nhưng cũng có những hệ quả nhất định liên quan đến vấn đề môi trường, đây là lĩnh vực hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác. Do đó, tôi nghĩ rằng việc trao đổi công nghệ và tri thức là rất cần thiết và đây cũng sẽ là những ngành đầy hứa hẹn.

Phần Lan là một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh cao nhất trên thế giới. Bà có lời khuyên gì cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển này không?

Thực tế rất đơn giản mà chúng tôi đã thực hiện là đẩy mạnh giáo dục tới tất cả người dân và giáo dục tất cả những vấn đề chúng ta có khả năng, dạy con cái chúng ta rằng trong tương lai, họ phải luôn sẵn sàng để học, để bắt kịp với nền giáo dục hiện đại. Điều này rất quan trọng.

Tôi cũng muốn nói rằng ở tất cả các quốc gia ngày nay, các đối tác lớn, lực lượng lao động và những người đang làm việc cần được đào tạo và vì thế chúng ta phải thấy được khả năng tạo ra được những cơ hội đào tạo mới cho những người trưởng thành, những người đang lao động. Bên cạnh đó, điều quan trọng là giáo dục để thế hệ trẻ định hướng tương lai của mình.

Tuy nhiên, mong rằng Việt Nam và Phần Lan hiểu được vai trò quan trọng của khu vực công và hy vọng ngài Chủ tịch nước và các chuyên gia của các bạn sẽ quan tâm  đến hệ thống phúc lợi xã hội của các nước Bắc Âu. Ở các quốc gia này, khu vực công có  vai trò rất lớn trong việc đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và ổn định xã hội. Như vậy, chúng ta nên kết hợp khu vực công và khu vực tư nhân.

Tất nhiên điều không thể thiếu là một chính phủ mạnh. Chính phủ mạnh ở đây không chỉ là một chính phủ không có tham nhũng mà còn phải là một chính phủ hoạt động hiệu quả, hiện đại và có nền nếp.

Tôi biết là Việt Nam đã  đạt được những bước tiến lớn trong thời gian qua, nhưng hiện Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số khó  khăn, rào cản nhất định về hệ thống hành chính. Khi tôi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên, chính ngài Chủ tịch nước đã nêu ra những vấn đề như quyền con người, tự do và những khía cạnh khác của một quốc gia hiện đại, vì thế tôi nghĩ rằng, ngài Chủ tịch hiểu rất rõ những khó khăn của Việt Nam.

Vì thế, nên điều mà tôi vẫn thường nói là không ai hy vọng chúng ta có thể tạo ra những phép màu nhưng chúng ta phải làm tất cả những gì có thể. Một hệ thống hành chính, một chính phủ mạnh thực sự không thể thiếu trong một xã hội hiện đại.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn tăng cường giao thương ở thị trường Phần Lan và ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp Phần Lan bày tỏ sự quan tâm đầu tư, hợp tác và làm ăn kinh doanh với Việt Nam, nhận định của bà Tổng thống?

Chúng tôi thấy ở Việt Nam là một người bạn cũ với một vóc dáng mới.

Tôi nói rất cởi mở rằng chúng ta phải nhớ rằng Việt Nam đã trải qua quá trình xây dựng đất nước nhiều năm qua để ngày nay trở thành một đối tác tin cậy. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ như là những người bạn, những đối tác tin cậy của nhau. Do đó, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, các doanh nghiệp của chúng ta cũng đang rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác.