03:36 01/01/2014

Nợ xấu và “cứu cánh” VAMC: Nếu có cơ trời hửng...

Thảo Nguyên

TS. Trịnh Quang Anh: “Trong bối cảnh của Việt Nam thì VAMC có thể là giải pháp khôn ngoan”

Theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.<br>
Theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.<br>
Tiếp tục cuộc trò chuyện với VnEconomy, liên quan đến “hàn thử biểu” thứ hai về trạng thái “cầm cự” của nền kinh tế, TS. Trịnh Quang Anh nhìn nhận sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một “cứu cánh”.

Tuy nhiên, “câu giờ” vẫn là trạng thái được vị chuyên gia này nhấn lại với các giải pháp xử lý nợ xấu của Việt Nam.

Tháng 4/2012, tại một diễn đàn kinh tế lớn, ông đã đưa ra con số ước tính, nếu hạch toán đúng và áp dụng chuẩn quốc tế về phân loại nợ, nợ xấu ngân hàng thực chất sẽ đạt tới mức ít nhất là 10% GDP hiện hành của Việt Nam. Một năm sau ông lại đưa con số nợ xấu tương đương khoảng 17% GDP danh nghĩa 2012 và dự báo là còn có thể trầm trọng hơn. Vậy hiện nay thực sự nợ xấu có đang xấu hơn không?
 

Bạn để ý đến các phát biểu của tôi kỹ quá đấy (cười), nhưng đúng là tôi dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về câu hỏi nợ xấu xấu đến mức nào thì tôi vẫn giữ quan điểm là có thể trầm trọng hơn. Song, có một điều rõ ràng không phủ nhận được rằng VAMC là một cứu cánh khi hiển nhiên nó làm giảm nợ xấu. Tuy nhiên về bản chất vẫn là câu giờ, nó làm chuyển khoản nợ hôm nay thành khoản nợ tương lai, nhưng khác nhau ở chỗ lạm phát sẽ bào mòn làm cho mọi thứ đều nhẹ nhàng đi.

Và cũng không ai ngăn cản được một kỳ vọng là nếu có cơ trời hửng, như dòng vốn mới vào, các thị trường tài sản ấm lên… và khi đó nợ xấu có thể sẽ được giải quyết đáng kể.

Dù sao việc lập VAMC cũng là giải pháp “tốt thứ nhì” và cũng sẽ có tác dụng làm cho những ngân hàng lẽ ra phải “chết” có thể cầm cự tiếp được một thời gian để chờ thời. Rồi, như tôi đã giả thiết, biết đâu họ lại có thể “lội ngược dòng”.

Gần đây Chính phủ vẫn nhận định nợ xấu chưa được phân loại và đánh giá đầy đủ, chính xác trong năm 2013. Với am hiểu của mình về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông có cho rằng có đủ cơ sở để đưa ra con số thật chính xác về nợ xấu không?

Chắc chắn là không, nhưng về định tính thì mình biết. Trước hết con số Ngân hàng Nhà nước công bố nợ xấu đâu đó trên 4,6% do các tổ chức tín dụng báo cáo, tức có cơ sở pháp lý, và hoàn toàn có thể tính ra con số tuyệt đối. Rồi nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780 lên tới 300 ngàn tỷ, đó là nợ xấu rõ ràng. Nợ của Vinashin, Vinalines cũng phải cộng vào chứ, chưa kể các khoản nợ tương tự hai anh Vina đó còn nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước mà chưa được công khai.

Đó mới là đống nợ tín dụng xấu, còn nợ tài sản xấu thì phải lớn hơn chứ, cho dù là có chạy sang VAMC thì bản chất trong bảng cân đối nội bảng lẽ ra nằm ở tín dụng thì nợ xấu chuyển sang nằm ở trái phiếu, nhưng nó vẫn xấu mà. Bên cạnh đó còn là câu hỏi về rủi ro khi hệ thống tín dụng ngày một nắm lượng trái phiếu lớn hơn trong bối cảnh mức độ an toàn nợ công đang là một quan ngại lớn.

Phải chăng sự ra đời của VAMC là cơ sở vững chắc để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến cuối năm 2015 có thể đưa được nợ xấu về ngưỡng an toàn dưới 3% theo đúng chuẩn mực quốc tế?

Cái này về mặt cơ học cũng có thể nhìn thấy ngay, khi tất cả các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ xấu cho Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa như tôi đã phân tích là về mặt câu giờ chẳng làm gì thì con số nợ xấu danh nghĩa cũng nhỏ dần đi. Nhưng đòi hỏi con số thật sự là bao nhiêu thì khó có thể nói được.

Con số cũng quan trọng nhưng việc giải quyết nợ xấu có lẽ còn quan trọng hơn phải không ạ. Trong khi một số vị chuyên gia trẻ, trong đó có cả ông cho rằng nên dùng nguồn lực quốc gia để giải quyết nợ xấu thì nhiều vị đại biểu Quốc hội luôn chất vấn về việc có lấy tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu hay không. Và cả Thống đốc và Thủ tướng đều trả lời là không. Nay sự ra đời của VAMC chính là để thực hiện “lời hứa” này?

Tôi vẫn phải nhấn mạnh, lập VAMC theo tôi chỉ là giải pháp để “câu giờ” thôi, dù gì cũng là giải pháp tốt thứ nhì, bởi đúng là lúc này không thể trực tiếp sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu được. Nhưng khi nào bạn nhìn thấy có dòng vốn chiết khấu trái phiếu VAMC đi ra, có lẽ bản chất đó là tiền ngân sách đấy (cười).

Vậy ông có còn giữ quan điểm dùng nguồn tài chính quốc gia để xử lý nợ xấu nữa không?


Nếu theo cách tiếp cận của nhiều nước khác thì dùng nguồn tài chính quốc gia để xử lý nợ xấu là hoàn toàn chính đáng.

Đạo lý nằm ở chỗ: khi khỏe tôi đã làm đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước rồi, giờ ốm yếu, bệnh tật, Nhà nước phải có trách nhiệm lại với tôi chứ, còn lỗi tại sao để ốm yếu, bệnh tật đến mức đe dọa sức khỏe cộng đồng sẽ xét sau.

Nếu tạm thời Nhà nước khó khăn, anh phải đi vay mượn quốc tế để xử lý đã và trông chờ vào nguồn thu trong tương lai, khi nền kinh tế khỏe lên để trang trải nợ nần. Còn nếu chọn cách lạm dụng ngân hàng trung ương là không được, bởi xét về học thuật, ngân hàng trung ương chỉ đến và chỉ được phép đến cứu những ngân hàng mất thanh khoản chứ không phải là mất khả năng thanh toán.

Tất nhiên trên thực tế, ranh giới này khá khó phân biệt và hơn nữa, khi khẩn cấp rồi thì cứ phải hành động cái đã, rồi tính sau.

Còn trong bối cảnh của Việt Nam thì VAMC có thể là giải pháp khôn ngoan, cũng có thể coi là hay ho, nếu khi ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, khác hẳn cách ngân sách xắt hẳn ra một cục để xử lý nợ xấu.
 
Tôi còn nhớ ông đã từng nói nợ xấu thật đáng sợ, đáng sợ hơn là triển vọng kinh tế tiếp tục xấu nhưng nguyên nhân sợ hãi nhất là đổ vỡ niềm tin. Vậy với tất cả các phân tích trên đây thì mọi thứ đáng sợ đó có còn nguyên mức... đáng sợ không ạ?

Trí nhớ của bạn cũng rất “đáng sợ” đấy nhé (cười). Trở lại triển vọng của nền kinh tế, việc có cầm cự được qua thời gian này để lên bàn phẫu thuật không thì hiện nay với cải cách thể chế kinh tế đang được quan tâm đẩy mạnh, hy vọng rằng nền kinh tế tuy chưa khỏe khoắn bình thường được nhưng cũng có thể nhẹ nhàng hơn.

Còn niềm tin, đó là câu chuyện rất khó đo lường, tôi với bạn cùng chờ vậy.