09:02 22/08/2017

Phát triển du lịch: Có nên chạy theo số lượng?

Lâm Phong

Cần ưu tiên quảng bá các thị trường gần có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài

Ngành du lịch đã xác định các thị trường khách có khả năng tăng trưởng 
mạnh gồm các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung 
Quốc, Lào, Campuchia.
Ngành du lịch đã xác định các thị trường khách có khả năng tăng trưởng mạnh gồm các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Với mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, những tháng cuối năm này ngành du lịch đã đồng loạt tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đã xác định các thị trường khách có khả năng tăng trưởng mạnh gồm các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Các thị trường gần bao gồm các quốc gia ASEAN, thị trường gần có quy mô lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Thị trường xa có tiềm năng tăng trưởng cao là Nga, Úc, New Zealand cũng 5 nước Tây Âu đang được Việt Nam miễn thị thực. Do đó, trong những tháng cuối năm 2017 ngành du lịch sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến tại những thị trường này.

Xác định thị trường tiềm năng

Mở màn cho chiến dịch xúc tiến du lịch những tháng cuối năm là chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 3 thành phố của Úc gồm Perth, Sydney và Melbourne từ ngày 15 – 18/7. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, Úc luôn được xác định là thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao đối với ngành du lịch Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã đón trên 217.000 lượt khách từ thị trường Úc, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tiềm năng thị trường này còn rất nhiều nên việc xúc tiến du lịch tại đây cần được tổ chức thường xuyên hơn.

Cũng theo ông Ngô Hoài Chung, xúc tiến tại thị trường Úc có hơn 20 doanh nghiệp du lịch của Việt Nam. Ngoài việc quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới đông đảo người dân Úc các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa cơ hội hợp tác quốc tế với doanh nghiệp du lịch Úc.

Cụ thể, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã tập trung giới thiệu chính sách, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới phù hợp với thị trường Úc. Gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp Việt Nam – Úc. Tổng cục Du lịch, đã gặp gỡ, làm việc với các tổ chức, đối tác phía Úc để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước.

Từ ngày 18 – 23/8 Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Chương trình sẽ diễn ra tại Tp.Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến, Tp.Bao Đầu thuộc Khu tự trị Nội Mông Cổ và Tp.Nam Xương tỉnh Giang Tây. Sự kiện đã thu hút được hơn 300 hãng lữ hành của Trung Quốc tham dự.

Từ nhiều năm qua, khách Trung Quốc luôn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm 2016 Việt Nam đã đón 2,6 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 51,4% so với năm 2015. Tính trong 7 tháng đầu năm 2017 đã có 2,2 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2016.

Sau chương trình xúc tiến tại thị trường Trung Quốc, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2017 sẽ tiến hành chương trình cúc tiến du lịch tại thị trường ASEAN, từ ngày 16 – 22/9 tại thị trường Nhật Bản và từ ngày 13 – 20/9 Tổng cục Du lịch sẽ xúc tiến du lịch tại thị trường Bắc Âu. Ngoài ra ngành du lịch Việt Nam sẽ tham gia các hội chợ quốc tế lớn như Hội chợ du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản, Top Resa tại Pháp), ITF tại Đài Loan và WTM tại Vương Quốc Anh.

Chạy theo số lượng hay doanh thu?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng chủ trương của Tổng cục Du lịch trong việc tập trung ưu tiên xúc tiến, quảng bá tại các thị trường gần và có chung đường biên giới, thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài là hợp lí.

Tuy nhiên, về lâu dài cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến, quảng bá du lịch mà không chạy theo thời vụ. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét miễn visa cho một số thị trường lớn như Ấn Độ, Canada và Úc, vì đây là những thị trường tiềm năng lớn. Như thị trường Ấn Độ rất gần Việt Nam, hiện Thái Lan thu hút lượng khách khá lớn từ Ấn Độ do chính sách visa của họ.

Phân tích về điểm hạn chế của công tác xúc tiến du lịch Việt Nam, ông Bình nhận định ngân sách còn thấp. Mức chi năm 2016 là 2,5 triệu USD cho hoạt động này là quá thấp so với các nước ASEAN. Trong khi đó Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có mức chi khoảng 100 triệu USD cho hoạt động xúc tiến du lịch.

“Với mức chi chỉ bằng 2,5% các nước ASEAN nhưng năm 2016 Việt Nam đứng thứ 5 về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt, bằng 31% so với Thái Lan, bằng 37% của Malaysia, bằng 61% của Singapore và bằng 83% so với Indonesia. Điều đó cho thấy ngành du lịch Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc và tiềm năng du lịch Việt Nam được khách du lịch trên thế giới đánh giá cao”, ông Vũ Thế Bình hy vọng.

Công tác xúc tiến du lịch còn bị hạn chế do chưa có cơ quan chuyên trách quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia, Việt Nam cũng chưa mở được văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm. Trong khi đó Malaysia có 35 văn phòng đại diện tại nước ngoài, Thái Lan có 28 văn phòng, Singapore 23 văn phòng...

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch lại cho rằng, không nên chạy theo số lượng khách quốc tế thu hút được là bao nhiêu mà nên tập trung vào doanh thu của ngành, vào việc ngành du lịch đóng góp bao nhiêu cho ngân sách.

Ông Chính phân tích, hiện nay đóng góp cho GDP của ngành du lịch Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN. Nếu coi ngành du lịch là một ngành kinh tế thì đây mới là mục tiêu chính. Do đó, với lượng ngân sách chi cho xúc tiến du lịch còn thấp ngành du lịch nên tập trung vào những thị trường khách có mức chi tiêu cao và xúc tiến nhằm tăng nhu cầu mua sắm của khách tại Việt Nam để phục vụ xuất khẩu hàng hóa tại chỗ.