21:29 20/03/2017

Quản lý nợ công: Giữ như cũ để "kiểm soát quyền lực"?

Nguyễn Lê

Không kiểm soát quyền lực thì sẽ có vấn đề, quy định mới chắc gì đã tốt hơn, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị sửa luật theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị sửa luật theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công.
Thủ tướng nhất trí cơ chế tập trung thống nhất, nhưng khi bỏ phiếu lại là số ít, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích về sự không thay đổi chức năng nhiệm vụ của các bộ trong quản lý nợ công.
 
Tiếp tục phiên họp thứ 8, ngày 20/3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Một trong những vấn đề được tập trung bàn thảo là quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công.

Theo Chính phủ, qua rà soát các quy định hiện hành của Hiến pháp, các luật có liên quan về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan liên quan đến công tác quản lý nợ công đã phát hiện một số bất cập, không còn phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

Dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung 4 điều mới quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và của Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, để không bị xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ giữa 3 cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính) trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Cụ thể, điều 19 dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) đề nghị sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công.

Vì, việc quản lý tập trung thống nhất này là nhằm thể chế hóa yêu cầu đặt ra trong nghị quyết 07/NQ-TW, theo đó phải sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn”.

Thực tiễn cho thấy việc thực hiện theo quy định luật hiện hành đã dẫn đến công tác quản lý nợ công trong đó có huy động, quản lý vốn vay còn phân tán, thiếu tập trung, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, xác định trách nhiệm,... còn khó khăn, bất cập, cơ quan thẩm tra phân tích.

Ngoài ra, thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo hướng cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, quy định rõ quy trình phối hợp trong công tác quản lý nợ công. 

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch đầu tư công sẽ cân đối, đề xuất nhu cầu vốn đầu tư; Bộ Tài chính chủ động xây dựng kế hoạch huy động vốn, lựa chọn hình thức vay, nguồn vốn vay, đối tác vay, đàm phán vay nợ,... gắn với việc bảo đảm khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước và chỉ số an toàn về nợ công. 

"Phản biện"quan điểm của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng điều chỉnh chức năng nhiệm vụ về quản lý nợ công là chưa chuẩn xác.

Vừa qua nợ công tăng nhanh do nguyên nhân điều hành,  giải quyết vấn đề này không phải ở luật này mà ở Luật Đầu tư công, ông Thu nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Thu thì trước đây đầu tư vượt quá khả năng của nền kinh tế, phê duyệt thoải mái và vay nợ thoải mái còn bây giờ 5 năm chỉ được vay 300 ngàn tỷ nên không tăng được nợ công nữa.

Ông Thu khẳng định, nếu thực hiện tốt Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng thì giải quyết được áp lực nợ công tăng nhanh mà không phải chờ sửa Luật Quản lý nợ công.

"Chính phủ thảo luận rất kỹ, cơ chế hiện nay là hợp lý, phù hợp thể chế kinh tế chính trị của Việt Nam" - Thứ trưởng Thu nhấn mạnh.

Về quan điểm phù hợp với thông lệ Quốc tế của cơ quan thẩm tra, ông Thu lập luận: các nước khác có Bộ Kế hoạch - Đầu tư đâu. 

Việc giữ nguyên quy định hiện nay, theo ông Thu còn hợp lý ở chỗ là tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Không có kiểm soát quyền lực thì sẽ có vấn đề, quy định mới chắc gì tốt hơn, có khi tồi hơn, không khéo sẽ đảo lộn hết, ông Thu nói tiếp.

Cũng liên quan yêu cầu quản lý tập trung thống nhất của cơ quan thẩm tra, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định 40 năm qua Ngân hàng Nhà nước đã làm rất tốt phần việc của mình, đang có kinh nghiệm và đang được các nước đánh giá cao. Vì thế cần cân nhắc xem xét có cần thiết quy về một mối hay không.