08:02 28/03/2016

Quốc hội chuẩn bị làm nhân sự cấp cao

Nguyên Vũ

Nếu đắc cử, tân Chủ tịch Quốc hội và tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trong tuần làm việc thứ hai của kỳ họp Quốc hội thứ 11

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang điều hành một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang điều hành một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 28/3, Quốc hội khoá 13 bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp cuối cùng trong nhiệm kỳ.

Sau hai ngày thảo luận về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, từ 10h30 sáng 30/3, quy trình làm nhân sự cấp cao sẽ được bắt đầu với việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội.

Gần 5 năm trước, ngày 23/7/2011, từ vị trí Phó thủ tướng Thường trực, ông Nguyễn Sinh Hùng đắc cử Chủ tịch Quốc hội khoá 13.

Vài tháng sau đó, khi lần đầu tiên ngồi ở vị trí điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội đương nhiệm, ông lập tức gây nhận xét nhiều chiều trong chính các vị đại biểu.

Bên cạnh một số vị khen ông quyết đoán, mạch lạc và không kém phần dí dỏm, thì cũng có vị phàn nàn ông điều hành quá “cứng”, nặng phong cách ở cơ quan hành pháp hơn chế độ nghị trường.

Các lần điều hành sau đó, dù đã linh hoạt, uyển chuyển hơn song ông vẫn giữ thái độ thẳng thắn, không ngần ngại cắt lời các bộ trưởng “câu giờ” và “phê” đại biểu hỏi dài.

Dần dần, sự bao quát, tổng hợp nhanh, chính xác, chọn điểm nhấn sắc sảo và ngôn ngữ dí dỏm của ông đã được nhiều vị đại biểu đánh giá cao.

Văn bản tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội vừa hoàn thành ngày 26/3 phản ánh nhận xét của đại biểu: công tác điều hành có rất nhiều cải tiến, đổi mới, ngày càng dân chủ, thể hiện sự linh hoạt, xác định được nhiều vấn đề bức xúc để thảo luận, quyết định. Trong đó, vai trò của người đứng đầu rất đáng ghi nhận, thể hiện sự sắc sảo trong tư duy.

Trao đổi với báo chí ở đầu kỳ họp này, ông tự đánh giá là đã hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có việc “chuẩn bị người thay thế mình cho tốt”.

Người được giới thiệu kế nhiệm ông là một trong số 4 phó chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Khác với ông, bà Kim Ngân cũng từng là thành viên Chính phủ song đã trải qua một nhiệm kỳ ở vị trí Phó chủ tịch Quốc hội.

Nhiệm kỳ qua, hai lần lấy phiếu tín nhiệm, bà Kim Ngân đều dẫn đầu về số phiếu “tín nhiệm cao”. Hiện bà là một trong 3 nữ uỷ viên Bộ Chính trị đương nhiệm.

Theo nghị trình, kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội mới sẽ được công bố vào sáng 31/3.

Điểm mới của lần này là tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp thay vì phát biểu nhậm chức. Nghi thức tuyên thệ sẽ được thực hiện trong ba phút.

Ngay sau đó, Quốc hội sẽ xem xét việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước đương nhiệm, theo đánh giá của nhiều vị đại biểu Quốc hội, là người đã bám sát các quy định của Hiến pháp, pháp luật thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đạt kết quả tốt, nhất là lĩnh vực cải cách tư pháp, làm rõ nhiều vụ oan, sai, tăng cường dân chủ trong hoạt động tư pháp, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Chủ tịch nước còn được nhận xét có nhiều đóng góp trong hoạt động đối ngoại, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, gương mẫu dành thời gian tiếp công dân, thể hiện nhiều tâm huyết với nhân dân.

Nhưng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được Hiến pháp, pháp luật quy định nhưng thiếu cơ chế thực hiện và bị hạn chế bởi một số chế định khác. Vì thế, kết quả thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh còn nhiều vướng mắc.

Vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước chưa rõ, mới chỉ tập trung vào việc phong hàm cấp tướng, trong khi đó Chủ tịch nước cần phải quyết định việc xây dựng lực lượng và nguồn lực cho quốc phòng, an ninh. 

Theo một số ý kiến thì vị trí, vai trò của Chủ tịch nước trong đối nội còn mờ nhạt. 

Nhân sự được chuẩn bị cho vị trí kế nhiệm ông Trương Tấn Sang là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Trao đổi bên lề Quốc hội kỳ này, một số vị đại biểu nhận xét, Bộ trưởng Quang là người kiên quyết, nhưng giàu lòng nhân hậu.

Nếu đắc cử Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang cũng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội vào sáng thứ Bảy, ngày 2/4.