12:10 15/06/2017

“Vốn FDI vào nông nghiệp chỉ 0,9-1%, hầu hết thất bại”

Bạch Dương

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải vì sao vốn FDI “hờ hững” với lĩnh vực nông nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. 
Sáng ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã “đăng đàn” trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường.

Loạt các chất vấn liên quan đến đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được nhiều đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng.

Nông nghiệp thất bại trong thu hút FDI

Quan tâm đến vốn đầu tư vào nông nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vì sao chỉ có 0,9 -1% vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành này.

Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vốn FDI vào nông nghiệp rất hạn chế. Nguyên nhân được đưa ra là do đặc thù cơ chế đất đai manh mún, nhỏ lẻ, không cho phép tích tụ đất đai, áp dụng các cánh đồng mẫu lớn. Hơn nữa, hạ tầng nông nghiệp nông thôn, áp dụng công nghệ, nguồn lực cũng như liên kết giữa người nông dân - doanh nghiệp - nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong manh, nên chưa chưa thu hút được vốn FDI.

“Vốn FDI vào nông nghiệp chỉ đạt 0,9% - 1% tổng vốn đầu tư. Thực tế hầu hết các dự án đầu tư vào nông nghiệp đều thất bại”, ông Dũng khẳng định.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng không thể đổ lỗi cho cơ chế đất đai khi nông nghiệp thất bại trong thu hút FDI.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định để khơi thông làn sóng FDI vào nông nghiệp phải cho tích tụ đất đai, đầu tư vào hạ tầng, kết nối doanh nghiệp, nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh đến giải pháp căn cơ là phải có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu lâu dài, ổn định phù hợp với thị trường tiêu thụ. 

“Thu hút đầu tư hết sức khó khăn, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế rồi nhưng chưa phù hợp thực tế, chưa đủ hấp dẫn. Chúng tôi cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp sửa đổi Nghị định 210, tăng sự hỗ trợ của Trung ương lên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nông nghiệp, giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính. Hy vọng với những việc đã và đang làm sẽ mở ra cơ chế khả thi hơn cho nhu cầu thu hút FDI vào nông nghiệp”, ông Dũng nói và khẳng định phát triển nông nghiệp cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị bởi đây là ngành còn nhiều dư địa, lực lượng lao động chiếm phần lớn dân số do đó, việc phát triển ngành sẽ đảm bảo ổn định chính trị xã hội.

Mặt trái của vốn FDI

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về những “mặt trái” của thu hút vốn FDI sau 30 năm Luật Đầu tư ra đời như trốn thuế, chuyển giá, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, 30 năm thu hút vốn đầu tư FDI, những đóng góp và vai trò đã được thể hiện rõ trong việc cấp vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, về đóng góp ngân sách, tạo việc làm, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước.

“Bộ mặt của nền kinh tế, các đô thị, các cơ sở hạ tầng, kể cả trong xuất khẩu hiện nay là có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp FDI”, ông Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, một số dự án FDI còn nhiều hạn chế như dự án công nghệ cao còn thiếu, có biểu hiện chuyển giá. Thu hút vốn FDI còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, nhiều năng lượng, nhiều nguyên vật liệu đầu vào. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi tường cũng gây nhiều bức xúc thời gian qua.

Khẳng định những tồn tại đó nhưng ông Dũng cho rằng phải tiếp tục thu hút FDI.

“Trong khi đầu tư nhà nước còn hạn hẹp, khó khăn thì phải tranh thủ dựa vào vốn FDI, đầu tư của tư nhân. Không vì những hạn chế mà chúng ta không thu hút đầu tư FDI nhưng cần định hướng lại, thu hút vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng, lao động, khuyến khích chuyển giao công nghệ”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Vị Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn về thu hút vốn trên toàn cầu theo đánh giá của các tổ chức uy tín trên thế giới. Thực tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được thăng hạng, các thủ tục hành chính được cắt giảm, thị trường được mở rộng nhờ 12 hiệp định thương mại song phương...