06:00 16/01/2014

Vụ Huyền Như: Liệu Vietinbank có được “giải thoát”?

Hoàng Nam

“Một tổ chức tín dụng bị mất lòng tin của khách hàng thì liệu họ có tồn tại được hay không!”

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trao đổi với luật sư của mình tại phiên tòa - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trao đổi với luật sư của mình tại phiên tòa - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Đúng như dự đoán của người viết, quả thật ngày 15/1/2014 là một ngày nặng nề với người đại diện và các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank khi phải chứng kiến và chịu đựng trước các bài phát biểu nảy lửa, mang tính đối trọng với trách nhiệm và quyền lợi của Vietinbank trước sự tổn hại hàng ngàn tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân được xác định là bị hại trong vụ án này.

Ngay từ đầu, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), luật sư Nguyễn Minh Tâm đã phản bác các lý lẽ mà đại diện Viện Kiểm sát đã kết luận, cho rằng Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng đầu tư vốn của SBBS, làm giả con dấu và giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, chiếm đoạt 210 tỷ đồng, biến SBBS thành nạn nhân trực tiếp của Như, chứ không phải Vietinbank.

Khi đại diện Viện Kiểm sát lập luận hành vi tội phạm của Như đã hoàn thành khi các bị hại gửi tiền vào tài khoản của họ tại Vietinbank, luật sư Tâm đặt câu hỏi: “Không hiểu được thời điểm hoàn thành tội phạm mà Viện Kiểm sát dựa trên căn cứ và lý lẽ nào? Phải chăng, việc quy kết như vậy để “giải thoát” cho Vietinbank?”.

Theo ông, SBBS không phải là nguyên đơn dân sự, không phải là đơn vị bị thiệt hại do hành vi tội phạm của Như. Bởi lẽ, ngay từ đầu, SBBS hoàn toàn tin tưởng giao dịch với Vietinbank thông qua tư cách của Như là quyền Trưởng phòng giao dịch, sau khi tiền đã vào tài khoản, Như mới làm giả chữ ký của chủ tài khoản, lừa các giao dịch viên, chuyển đi các địa chỉ của Như. Do đó, luật sư Tâm lập luận chính Vietinbank đã bị Như qua mặt và những sơ hở trong quản lý của Vietinbank mới là điều kiện cho Như tiếp tục chiếm đoạt.

“Nạn nhân trong vụ án này chính là Vietinbank, chứ không phải SBBS”, luật sư Tâm nói.

Sau khi phân tích các mối quan hệ nhân quả giữa hành vi, thủ đoạn gian dối với hậu quả xảy ra, luật sư Tâm yêu cầu Vietinbank phải bồi thường toàn bộ khoản tiền 210 tỷ đồng bị chiếm đoạt, cộng lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Để chứng minh cho yêu cầu này, ông đã làm rõ tài khoản của SBBS mở tại Vietinbank là hoàn toàn hợp pháp, dựa trên hồ sơ gốc, do chính những người đại diện SBBS lập, chứ không phải bị Như làm giả như một số trường hợp khác. Căn cứ theo điều 12 của Quyết định 1284, Vietinbank phải chịu trách nhiệm về tài khoản của khách hàng, bên cạnh việc cung ứng kịp thời các dịch vụ, để cho Như dùng hồ sơ giả để rút tiền chiếm đoạt, Vietinbank còn không gửi kịp thời giấy báo nợ, báo có, không thông tin kịp thời số dư tài khoản hàng tháng theo quy định. Nếu Vietinbank thực hiện đúng trách nhiệm thì ngay lần đầu tiên đã có thể phát hiện Như lừa đảo.

Luật sư Tâm nói: “Vietinbank hoàn toàn có lỗi, họ phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại. Lỗi vi phạm là căn cứ phát sinh trách nhiệm buộc Vietinbank phải bồi thường SBBS”.

Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông hướng về Hội đồng Xét xử và nói: “Một tổ chức tín dụng bị mất lòng tin của khách hàng thì liệu họ có tồn tại được hay không!”.

Tiếp nối mạch phản biện mạnh mẽ, luật sư Ngô Đình Trấn bảo vệ quyền lợi cho Công ty Cổ phần Dầu khí Thái Bình Dương “phàn nàn” khi công ty không được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, dẫn đến hạn chế về quyền lợi, trong phần xét hỏi, Tòa lại cho đại diện Vietinbank ngồi để ghi chép các câu hỏi của Luật sư là không phù hợp với quy định của tố tụng.

Ông cho rằng, việc đại diện Viện Kiểm sát không căn cứ vào chứng cứ mà chỉ căn cứ vào lời khai của Huyền Như để xác định Hợp đồng 016 là khống là không đúng, vì 14 hợp đồng trước đây là con dấu thật, có liên đới đến Hợp đồng 016 bị chiếm đoạt 80 tỷ đồng.

Ông cho rằng, Vietinbank có đại diện là Võ Anh Tuấn đã ký vào 10 giấy xác nhận, theo kết luận là ký thật, giấy thật, nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm. Do đó, quan điểm của Công ty Thái Bình Dương là yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền này.

Luật sư Nguyễn Huy Dụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, sau khi phân tích diễn biến quá trình và cho rằng có sự gặp gỡ giữa đại diện 3 công ty với Huyền Như và Võ Anh Tuấn, đã nhận định Vietinbank Tp.HCM và Vietinbank Nhà Bè đã tiếp nhận hồ sơ mở tài khoản theo đúng quy định 1284 của Ngân hàng Nhà nước, từ đó trách nhiệm quản lý tài sản thuộc về Vietinbank chứ không phải thuộc trách nhiệm của Huyền Như.

Quan hệ pháp luật mở tài khoản Vietinbank Tp.HCM, Vietinbank Nhà Bè với 3 công ty là hoàn toàn hợp pháp, Vietinbank có lỗi nên phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự. Điều 3 Luật Tổ chức tín dụng quy định về việc nhận tiền gửi phải hoàn trả đầy đủ gốc, lãi cho người gửi tiền, trong vụ án này Vietinbank chính là bị đơn dân sự, phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Hưng Yên tiền gốc 211 tỷ, Công ty Phúc Vinh 680 tỷ và Công ty Thịnh Phát hơn 889 tỷ.

Luật sư Trần Minh Hải bảo vệ cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) cho rằng, theo kết luận điều tra, chính ngân hàng Tiên Phong chủ động gọi cho Huyền Như, và yêu cầu buộc Vietinbank hoàn trả cho Tiên Phong khoản tiền 380 tỷ chứ không phải ORS với các căn cứ: khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng thì Vietinbank phải có trách nhiệm, có xác nhận chuyển tiền của Vietinbank, lỗi để xảy ra thiệt hại thuộc về Vietinbank.

Vietinbank đã quản lý không an toàn, gây ra sự rủi ro, sai sót, dẫn đến tạo môi trường thuận lợi cho Huyền Như phạm tội.

Cuối buổi chiều, mọi người chờ đợi ý kiến phát biểu của Luật sư Lưu Văn Tám bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng ACB. Ông Tám khuyến cáo Vietinbank với một hệ thống quản lý quá lỏng lẻo, cần dũng cảm nhìn nhận sự thật, chấn chỉnh lại hệ thống để mang lại niềm tin cho khách hàng.

Trong suốt quá trình tố tụng, ACB luôn khẳng định Vietinbank phải có trách nhiệm, chứ không yêu cầu Huyền Như, do đó cần xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank là bị đơn dân sự, còn ACB là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Nhân việc đại diện Vietinbank xác nhận tại tòa, nếu các hợp đồng với Vietinbank là chữ ký thật, dấu thật thì Vietinbank sẽ chịu trách nhiệm, ông đã liệt kê 32 hợp đồng của ACB được xác định là thật, có xác nhận tiền gửi, nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm này còn xuất phát từ việc trong thời gian xảy ra sự việc, theo sơ đồ của Vietinbank thì Huyền Như là Phó trưởng phòng Giao dịch. Chức danh này là chức danh quản lý nên Như là người có trách nhiệm quản lý giao dịch về tiền của ACB, được phân công việc huy động vốn chứ không phải thông qua Huyền Như để gửi tiền như nhận định của Viện Kiểm sát.

Đặc biệt, luật sư Tám yêu cầu Hội đồng Xét xử xem xét bản chất vụ án này Huyền Như phạm tội tham ô tài sản, đồng thời kiến nghị yêu cầu khởi tố lãnh đạo Vietinbank và Vietinbank chi nhánh Tp.HCM về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án này.