09:21 26/12/2007

“Thu nhập thấp, sẽ được hỗ trợ!”

Nguyên Quân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng trong bối cảnh lạm phát cao, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp người thu nhập thấp

"Đúng là giá tiêu dùng lên đã ảnh hưởng đến bộ phận đời sống dân, nhất là lương thực thực phẩm tăng 14-15%, tính lại có thể lên đến 17%".
"Đúng là giá tiêu dùng lên đã ảnh hưởng đến bộ phận đời sống dân, nhất là lương thực thực phẩm tăng 14-15%, tính lại có thể lên đến 17%".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng trong bối cảnh lạm phát cao, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp người thu nhập thấp.

Thưa Bộ trưởng, chúng ta nói nhiều tới các nguyên nhân, nhưng tác động của chỉ số lạm phát quá cao đến người dân chưa được phân tích, đề cập thấu đáo. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Đúng là giá tiêu dùng lên đã ảnh hưởng đến bộ phận đời sống dân, nhất là lương thực thực phẩm tăng 14-15%, tính lại có thể lên đến 17%. Một mặt, cần phải nhìn nhận mức tăng giá này có ảnh hưởng tích cực nhất định đến nông dân, cụ thể là người trồng gạo, cà phê, tiêu,...

Nhưng nhìn tổng thể, phải thừa nhận có một bộ phận không nhỏ người dân có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập bị ảnh hưởng rất lớn và rõ ràng cần có những chính sách riêng để hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn cho họ. Lần này cần phải có những chính sách hỗ trợ trực tiếp, kết hợp với gián tiếp.

Tại Hội nghị điều hành thực hiện kế hoạch năm 2008, Chính phủ có những giải pháp gì cho vấn đề này?

Trong thời gian tới, trong nhóm giải pháp điều hành cân đối vĩ mô liên quan tới chỉ số CPI, Chính phủ đã đề ra một loạt các giải pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân thông qua một loạt các cơ chế chính sách.

Cụ thể như đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì được tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, bổ sung chế độ công vụ, nâng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc để nâng cao quyền lợi cho người tham gia đóng bảo hiểm.

Đối với người dân thực hiện cấp học bổng cho học sinh dân tộc các trường nội trú, hỗ trợ học sinh mẫu giáo, phổ thông học bán trú con hộ nghèo ở vùng khó khăn, nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế nông nghiệp, thủy lợi phí, tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ cho nông dân, các chính sách liên quan tới vay vốn ưu đãi, trợ cước các mặt hàng chính sách, giá điện tại vùng khó khăn...

Có ý kiến lo ngại việc thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế?

Cũng có thể nói như vậy. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm qua, tổng thu nhập dân cư sau khi trừ đi yếu tố trượt giá tăng khoảng gần 6%, như vậy nhìn chung là có tăng, sức mua tăng kích cầu tiêu dùng kéo theo tăng trưởng kinh tế.

Để giá cả tăng cao là phải thừa nhận điều hành của Chính phủ chưa thành công, nhưng cần phải nhìn nhận tổng thể là các chỉ số kinh tế vĩ mô đều đảm bảo cân đối, tăng trưởng vẫn đạt tốc độ cao. Nhiều ý kiến và kinh nghiệm quốc tế cho rằng để tăng trưởng cao nhiều khi phải hy sinh một số chỉ tiêu khác, trong đó có giá. Một điểm đáng chú ý nữa là thời gian qua không có mặt hàng nào sốt cục bộ, hay sốt “nóng”, gây hỗn loạn thị trường.

Năm 2008, theo Bộ trưởng, những mặt hàng nào được dự báo sẽ có khả năng tăng cao, gây tác động lớn tới giá cả trong nước?

Trước hết là giá dầu. Hiện Nhà nước đã khẳng định dứt khoát lộ trình giá dầu phải đi theo giá chung của thế giới và không bù lỗ bởi vì hiện nay chúng ta đang bù lỗ rất lớn về dầu. Điều đó, nền kinh tế không thể chịu đựng mãi được, vì thế, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng phải chia sẻ khó khăn.

Tiếp theo là than, than cho 4 hộ lớn điện, giấy, xi măng, phân bón đang bán dưới giá thành, sắp tới 3 mặt hàng sau sẽ “đi” ngay theo giá thị trường. Còn điện thì chậm hơn một chút, nhưng cũng sẽ cần tìm một thời điểm cụ thể, thích hợp để tăng giá than để làm sao khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào điện và chống độc quyền. Có thể nói, hai mặt hàng được coi là đầu vào của nền kinh tế này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng tới mặt bằng giá cả của thời gian tới.

Trong báo cáo, sao không so sánh trượt giá với các nước khác, nếu cứ đổ cho nguyên nhân tăng giá thế giới?

Cần phải đặt so sánh với những nước tương đồng với chúng ta. Chứ còn những nước phát triển thì có khác biệt là họ chủ động rất lớn về nguồn nguyên liệu. Có những mặt hàng ta đang phải nhập 70-80%, có mặt hàng nhập khẩu hoàn toàn, tỷ lệ nhập khẩu của ta tới trên 80%.

Thứ nữa là nền kinh tế của ta đang trong giai đoạn chưa thực sự ổn định, và cuối cùng mặt bằng giá của các nước khác với mình.

Tại sao CPI 2008 không phấn đấu ở mức cố định khi ta đã định rõ tỷ lệ tăng trưởng GDP?

Cái này tôi xin khẳng định một lần nữa là nền kinh tế chúng ta phụ thuộc vào nguồn nhiên vật liệu nước ngoài là rất lớn. Và giá nguồn hàng này thì rất khó dự báo, không khẳng định chắc chắn được. Và ta để độ co dãn đó là để Chính phủ chủ động trong điều hành. Đương nhiên, mong muốn là càng thấp là càng tốt.

Trong thảo luận Chính phủ, cũng nhiều ý kiến nhận định là có nhiều cái bất khả kháng như giá quốc tế tăng, nếu ta hình thành dần được một mặt bằng mới ta sẽ chủ động hơn, bây giờ thì ta chưa hoàn toàn, như giá dầu ta đã định 2007 là không phải bù lỗ, nhưng tình hình đã buộc ta phải lùi lại do những cân đối vĩ mô, những biến động của thế giới.