20:44 02/01/2020

Thủ tướng: Giảm đà phát triển để an toàn là tư duy không thể chấp nhận

Đào Hưng

Thủ tướng mong muốn các cấp, ngành phải liên tục phát triển cao trong thời gian tới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị

Đất nước còn phải phát triển với tốc độ cao và liên tục trong những thập niên tới thì mới thịnh vượng, hùng cường, chứ không nên tính đến chuyện đã phát triển 6% - 7% rồi thì dừng lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020.

Dẫn vấn đề tại hội nghị, Thủ tướng nêu: "Có ý kiến cho rằng, thế giới hiện đang trong quá trình biến động bất ổn, để an toàn, Việt Nam cần giảm đà phát triển. Đây là tư duy không thể chấp nhận".

Vì vậy, Thủ tướng mong muốn các cấp, ngành và đặc biệt là ngành ngân hàng phải tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng, hùng cường ấy bằng cách là phải tăng trưởng cao.

Đánh giá chung về bức tranh ngân hàng năm 2019, Thủ tướng ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt việc phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác, giúp vừa đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa có mặt bằng lãi suất giảm, vừa kiểm soát được lạm phát.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt, khéo léo trong điều hành khi mua vào để tăng dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ, nhưng không ảnh hưởng lớn đến lạm phát.

Tăng trưởng tín dụng dù chỉ trên 13%, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng cao, cho thấy chất lượng tín dụng và chất lượng tăng trưởng tăng lên, thay vì chỉ phụ thuộc vào tăng tín dụng.

Thủ tướng cũng đánh giá cao hệ thống ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen. Đây là một dấu ấn năm 2019.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những điểm tồn tại, hạn chế của ngành, như còn những ngân hàng có tiềm lực tài chính hạn chế, chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa cao, dịch vụ còn nghèo nàn, trình độ quản trị và công nghệ còn thấp so với thế giới. 

Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều trở ngại, khó khăn. Một số Quỹ tín dụng nhân dân ở các địa phương làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Thủ tướng cũng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm soát cần chủ động hơn, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nội bộ, tránh tái phát tình trạng nợ xấu cao. 

Việc đảm bảo bảo mật, an ninh, an toàn của hệ thống ngân hàng là rất quan trọng, ảnh hưởng đến thông tin cá nhân, uy tín của ngành ngân hàng. Thủ tướng yêu cầu ngành công an phối hợp, điều tra xử lý nghiêm tội phạm ngành ngân hàng.

Bước sang năm 2020, Thủ tướng cho biết, ổn định vĩ mô vẫn là trọng tâm điều hành của Chính phủ. Về điều hành tín dụng, Thủ tướng lưu ý ngành ngân hàng cần thảo luận với các chủ đầu tư dự án BOT và BT. Theo ông, không siết chặt tín dụng mà thảo luận để có hướng giải quyết.

Ngân hàng Nhà nước phải đồng thời thực hiện hai mục tiêu kép, một là tạo môi trường thuận lợi cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, cạnh tranh quốc tế; mục tiêu thứ hai là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, với phương châm dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tín dụng ngân hàng trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, ứng phó, đối sách phải đặc biệt chú ý; đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chức năng, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương để thường xuyên trao đổi để có quyết sách hàng tháng trình Chính phủ.

"Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt Đề án 1058 và Nghị quyết 42 của Quốc hội, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế nợ xấu phát sinh. Các ngân hàng thương mại cũng phải tự tính toán, đẩy mạnh giải pháp nâng cao năng lực tài chính, năng lực điều hành và hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn từng tổ chức và hệ thống", Thủ tướng nói.

Các ngân hàng thương mại của Việt Nam lọt vào top của khu vực và thế giới. Do đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào ngân hàng, tạo điều kiện chuyển đổi mô hình Nhà nước điện tử và mô hình ngân hàng thương mại số là một yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng một lần nữa nhấn mạnh cải cách hành chính và văn minh ngân hàng, chống tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, chấm dứt tình trạng cho vay một gói thì phải cắt lại bao nhiêu phần trăm.