19:24 23/12/2019

Thủ tướng: "Một thương hiệu lớn biến mất là thất bại của cả doanh nghiệp và Chính phủ"

AN NHIÊN

Để một doanh nghiệp hay thương hiệu lớn làm ăn chính đáng của Việt Nam biến mất, đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp, mà của cả Chính phủ, chính quyền địa phương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng bên lề Hội nghị sáng 23/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng bên lề Hội nghị sáng 23/12.

Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng trước nhiều ý kiến xây dựng, quan tâm tới sự phát triẻn doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, các cơ quan tư pháp, toà án, cơ quan điều tra đều nêu quan điểm: Không hình sự hoá quan hệ hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng nếu xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm.

Chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền hù doạ doanh nghiệp

Đối với mục tiêu tới năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay đã có hơn 800.000 doanh nghiệp. Bước sang năm mới, phải phấn đấu thêm 17% nữa mới đủ số lượng đề ra. Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số ở Việt Nam còn thấp. Ở Việt Nam là 1/120, ASEAN là 1/90, các nước phát triển là 1/10.

Bên cạnh số lượng, chúng ta còn cần nâng quy mô và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chúng ta mới có 7 cái tên trong nhóm 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD, nhưng chưa có doanh nghiệp nào lọt vào nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. 

Để đạt được mục tiêu có những doanh nghiệp thực sự lớn mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với sự cố gắng đơn lẻ của từng doanh nghiệp sẽ rất khó đạt được mục tiêu, nhưng nếu các doanh nghiệp hợp lực lại sẽ khác. 

"Phải đoàn kết lại, hợp tác lại, phải có ngành hàng để cùng phát triển. Tôi tin thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn ra đời ở Việt Nam", Thủ tướng nói.  

Về phía các Bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Đối với các địa phương, Thủ tướng tiếp tục dặn dò: "Trừ cứu hoả, thiên tai, việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp phải nằm ở đầu cuốn sổ tay của lãnh đạo. Không thể thấy doanh nghiệp khó khăn trên địa bàn của mình mà không quan tâm. Đừng thờ ơ trong sự phát triển này".

Ngoài ra, các Bộ, ngành có chính sách cởi mở hơn để doanh nghiệp thực sự đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước, tham gia vào các ngành nghề trước đây chỉ có Nhà nước tham gia. Ngoại trừ các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, quốc phòng, điều hành vĩ mô thì Nhà nước nắm giữ.

Theo Thủ tướng, phải thay đổi tư duy, không phải những gì Nhà nước không muốn làm thì đẩy cho tư nhân. Những gì tư nhân làm được nên ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển tốt".

Ngoài ra, cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào khâu còn yếu như xử lý mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, tiếp cận đất đai, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

"Tôi ngồi đây nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên cũng nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải quan tâm, kiểm soát vấn đề này. Chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền dùng quyền lực mềm hù doạ doanh nghiệp khi họ có sai sót. Điều này không chấp nhận được. Phải đảm bảo rằng tất cả ý kiến của danh nghiệp phải được lắng nghe, tôn trọng. Còn tiếp thu hay không phải thảo luận, phân tích. Các đồng chí phải giám sát vấn đề này. 

Các cơ quan quản lý nhà nước phải loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng, tiêu cực, trình độ kém, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Ngoài ra, theo Thủ tướng, chính quyền các địa phương phải đổi mới tư duy quản lý sao cho tương tích với mặt bằng, nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, không phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh. "Tuyệt đối không tham lớn bỏ nhỏ", Thủ tướng nói. 

5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp - Ảnh: Quang Phúc.

Doanh nghiệp "giữ gìn uy tín quốc gia như giữ da mặt mình"

Ở phần cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dặn dò cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, hỗ trợ nhau khi khó khăn, cùng nhau vươn ra biển lớn. 

"Cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc, đổi mới liên tục, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ. Luôn nghĩ tới chìa khoá công nghệ trong phát triển sản xuất, tận dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA", Thủ tướng nói. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, thực hành chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với người lao động, giữ gìn uy tín quốc gia. 

"Giữ gìn uy tín quốc gia như giữ gìn da mặt mình vậy. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp lớn không chú ý giữ gìn thương hiệu. Chúng ta cần nói không với hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đóng góp vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia và đất nước. 

Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng, không được đưa hối lộ. Kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết.

1

Thủ tướng tham quan các gian hàng tại Hội nghị - Ảnh: Quang Phúc.

Để một thương hiệu lớn biến mất là thất bại của cả Chính phủ

Về phía Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục duy trì, củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần liên tục tăng trưởng cao, giữ tốc độ tăng trưởng này trong nhiều năm tới bởi đó là điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển. 

Rà soát, xoá bỏ rào cản độc quyền, trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân kể cả đối với các dịch vụ công. Tuy nhiên, không làm thay, không bao cấp khiến doanh nghiệp ỷ lại. 

Ngoài ra, cần tránh lạm dụng quyền lực công, đụng tới tài sản, lợi ích của doanh nghiệp. Mỗi đồng chí từ Trung ương tới địa phương phải lưu ý đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, không làm méo mó thị trường.

Theo Thủ tướng, nếu để một doanh nghiệp hay thương hiệu lớn làm ăn chính đáng của Việt Nam biến mất, đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp, mà còn của cả Chính phủ, chính quyền địa phương và tất cả mọi người trong tiến trình cạnh tranh, hội nhập toàn cầu. 

"Tôi tin rằng, những lời nói và hành động sẽ đi liền với nhau. Trước hết, chúng ta cố gắng khắc phục yếu kém, bất cập mà các thành phần doanh nghiệp phản ánh lên Chính phủ hôm nay. Đây cũng là trách nhiệm của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng. Các đồng chí phải kiểm soát tốt hơn bộ máy của mình, bảo đảm công chức, viên chức ứng xử bình đẳng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển", Thủ tướng kết thúc bài phát biểu. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ soạn thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tháo gỡ các bất cập, tồn tại. Các thành viên Chính phủ sẽ cùng đóng góp ý kiến, làm tiền đề để các địa phương thực hiện, giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển.

Dưới đây là một số hình ảnh của Thủ tướng tại Hội nghị sáng 23/12:

2

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành tham quan gian hàng tại Hội nghị - Ảnh: Quang Phúc.

3

Đại diện các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm với Thủ tướng bên lề Hội nghị - Ảnh: Quang Phúc.

4

Thủ tướng thăm gian hàng trưng bày xe điện của Vingroup - Ảnh: Quang Phúc.