11:18 10/07/2019

Thủy sản với mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD

Chu Khôi

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng 6,5% so với nửa đầu năm trước

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng 6,5% so với nửa đầu năm trước, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 3,77 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sản lượng khai thác thuỷ sản 6 tháng đầu năm đạt 1.855 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khai thác biển ước đạt 1.772 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.912 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ. 

Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đến nay cả nước đã có 5.174 ha diện tích nuôi thủy sản được cấp giấy chứng nhận GAP; trong đó diện tích nuôi cá tra áp dụng VietGAP là 1.847 ha, tôm chân trắng 1.432 ha, áp dụng GAP khác (GlobalGAP, ASC, BAP...) là 1.894 ha... 

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4 tỷ USD, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm các loại ước đạt 1,43 tỷ USD (bằng 87,9% so với cùng kỳ), cá tra 991 triệu USD (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu USD, mực và bạch tuộc 311 triệu USD, các loại cá khác 769 triệu USD, nhuyễn thể 45,4 triệu USD. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. 

Trong các tháng đầu năm 2019, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như Nhật Bản, EU và Mỹ không có nhiều dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, gần đây Chính phủ Mỹ đã áp thuế 25% lên các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc, đặc biệt là trong phân khúc các sản phẩm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao vốn là thế mạnh của nước này. Đây sẽ trở thành cơ hội cho các quốc gia khác đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam. 

Hai ngành xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam vẫn là tôm và cá tra. Trong khi sản phẩm tôm từ một số công ty đã được Chính phủ Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, thì thuế áp cho sản phẩm cá tra lại bị tăng lên. 

Do đó, về ngắn hạn, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, trong khi nên tăng cường mở rộng xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, EU và ASEAN. 

Ngoài ra, về dài hạn, để tận dụng tốt cơ hội trên, các cơ sở chế biến thủy sản nên nâng cấp, mở rộng hệ thống bảo quản tích trữ, các nhà máy tiệt trùng, chế biến... tương đương với chất lượng các nhà máy của Trung Quốc. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất – một điều kiện để Bộ Thương mại Mỹ xem xét khi áp mức thuế phá giá, qua đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ.

Theo ông Oai, năm 2019, ngành đã đặt ra một số mục tiêu chính là đạt tốc độ tăng trưởng 4,65%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD... 

Đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường, bao gồm thị trường Ả Rập Xê Út, Hoa Kỳ, EU... 

Về các thách thức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, 6 tháng cuối năm 2019, ngành thủy sản đứng trước ba vấn đề lớn lớn. 

Thứ nhất, Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019, để phát huy hiệu quả và đi vào thực tiến đòi hỏi phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, bởi việc từ nghề cá nhân dân chuyển sang hoạt động theo khung pháp lý đầy đủ và theo đúng thông lệ quốc tế là cả một quá trình bài bản, lâu dài. 

Thứ hai, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,7%, đòi hỏi ngành phải nỗ lực, chủ động hơn nữa, đặc biệt là cần sự quyết tâm, đoàn kết của toàn bộ hệ thống. 

Thứ ba, chỉ vài tháng nữa Hội đồng châu Âu (EC) sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ thẻ vàng, cho nên phải tăng cường quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản, nếu không làm tốt có nguy cơ cao hơn cả thẻ vàng.