09:06 03/12/2020

Tiếp viên Vietnam Airlines lây Covid 19 ra cộng đồng: Trách nhiệm pháp lý thế nào?

KIỀU LINH

Trách nhiệm của Vietnam Airlines khi để tiếp viên tự ý di chuyển từ khu cách ly này sang khu cách ly khác, và không có cơ chế giám sát khi cách ly tại nhà

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại buổi họp báo chiều 1/12 do Sở Y tế Tp.HCM tổ chức, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM cho biết, việc cách ly tại nhà hoặc tại khách sạn đều đã được Bộ Y tế quy định chặt chẽ.

Khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines tại 115 Hồng Hà, quận Tân Bình đã được cấp phép là khu cách ly tập trung cho riêng các tổ bay của Vietnam Airlines, do chính hãng này đứng ra tổ chức quản lý, còn ngành y tế thực hiện công tác giám sát về hồ sơ, quy trình thực hiện.

Người được cách ly phải thực hiện tuân thủ các quy định của cách ly tại nhà và cũng phải ký bản cam kết thực hiện đúng các quy định này. Bên cạnh đó, địa phương cũng có trách nhiệm giám sát, theo dõi sức khỏe của người được cách ly.

TIẾP VIÊN VIETNAM AIRLINES CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ?

Tuy nhiên, tiếp viên Vietnam Airlines - bệnh nhân 1342, đã không tuân thủ quy định, tự ý di chuyển từ khu cách ly này qua khu vực khác, đến gặp bệnh nhân 1345 và bị lây nhiễm. 

Khi trở về nhà tự cách ly, bệnh nhân 1342 cũng không tuân thủ quy định cách ly ở nhà mà tiếp xúc với 3 người khác, khiến một người bị lây Covid 19 (bệnh nhân 1347).

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông Luật, cho biết, dù biết rõ quy định cách ly y tế nhưng vẫn tiếp xúc và lây bệnh cho người khác của tiếp viên Vietnam Airlines là hành vi không tuân thủ quy định về cách ly. 

Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người vi phạm bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.

Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại tại Công văn 45/TANDTC-PC, người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.

Quyết định này căn cứ theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự, gồm các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

TRÁCH NHIỆM CỦA VIETNAM AIRLINES ĐẾN ĐÂU?

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông của Vietnam Airlines khẳng định, việc tiếp viên được trở về nhà tự cách ly sau 4 ngày cách ly tập trung là đúng quy định, theo Công văn 3588/CV-BCĐ do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid 19 ban hành tháng 7/2020.

Tuy nhiên, cần phải nhắc lại tiếp viên Vietnam Airlines đã không tuân thủ quy định cách ly ngay tại khu cách ly tập trung như đã nêu ở trên.

Trách nhiệm của Vietnam Airlines còn được dư luận truy vấn ở việc theo dõi, quản lý, giám sát việc nhân viên tự cách ly ở nhà có đảm bảo đúng quy trình, quy định?

Theo quy định cách ly tại nhà, người được cách ly phải chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú; Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú…

Xử phạt thế nào với Vietnam Airlines khi để tiếp viên nhiễm Covid, lây ra cộng đồng? - Ảnh 1.

Quy định cách ly tại nhà của Bộ Y tế.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Tp.HCM nói với VnEconomy: Bộ Y tế đã quy định rõ trách nhiệm của người được cách ly, uỷ ban nhân dân phường, xã, cán bộ y tế phải theo dõi, giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện cho người được cách ly đảm bảo tuân thủ cách ly. Tôi không rõ bên cạnh tiếp viên vi phạm quy định thì các cơ quan trên đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa? 

Thậm chí, Vietnam Airlines đã có cơ chế theo dõi việc cách ly của các nhân viên này không? Nếu có cơ chế giám sát thì mới đảm bảo được việc cách ly 14 ngày tại nhà là chắc chắn, an toàn.

“Việc cách ly ở nhà hay tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines cũng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Do đó, cần phải điều tra, xác minh cụ thể nếu việc cách ly tại Vietnam Airlines không đúng thì vẫn xử phạt hãng theo đúng quy định pháp luật”, Luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh. 

Cho rằng khó xác định cơ sở để xử phạt Vietnam Airlines vì những vi phạm này do cá nhân tiếp viên, tuy nhiên, theo Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, những vi phạm này của tiếp viên hàng không liên quan trực tiếp đến năng lực, trình độ quản lý của người đứng đầu Vietnam Airlines. 

"Do đó, đòi hỏi quản lý những khu cách ly tập trung phải là những người thực sự có năng lực, trình độ. Pháp luật phải coi trách nhiệm những người đứng đầu quản lý cao hơn nữa bằng cách có quy định chi tiết về kiểm điểm, xử phạt, thậm chí kỷ luật bằng các hình thức khác nhau để những người đứng đầu không buông lỏng khâu quản lý, làm dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng”, Luật sư Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.