10:55 29/03/2021

Nhộn nhịp những gánh hàng bán "quả đặc sản"

Phương Thảo

Thanh trà Thái

Những ngày này, trên đường phố Hà Nội, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong xếp đầy những loại quả màu sắc bắt mắt, nhìn thôi đã thèm. Nhót, thanh trà, dâu tằm, mơ hay mận chát… khi về phố đem đến hương vị của những thức quà quê tưởng đơn sơ mà giờ đây đã thành đặc sản. Bên chiếc xe đạp cũ kỹ, những người phụ nữ bán hàng luôn miệng mời khách, tận tình hướng dẫn cách chế biến hay thưởng thức... khiến người tiêu dùng qua phố bỗng nhiên như muốn sống chậm lại một chút.
Cứ vào cuối tháng 3, các tiểu thương bán hoa quả tại miền Bắc lại rủ nhau nhập thanh trà Thái về bán. Quả thanh trà có dáng hình gần giống như xoài tí hon hoặc quả biwa Nhật nhưng ngọt và đậm vị hơn. Tại Hà Nội, thanh trà được bày bán nhiều trên các tuyến đường ở Hà Nội như Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn, Đê La Thành, Nghĩa Tân... Mùa thanh trà khá ngắn, chỉ diễn ra trong vòng 3 - 4 tuần nên các tiểu thương đều tranh thủ nhập về bán. Để quả luôn tươi, tránh dập, hỏng, khi vận chuyển, người ta thường lót một lớp vải nhung hoặc giấy báo dưới thùng đặt thanh trà. Hiện giá bán ra cho mỗi cân quả dao động 150.000 - 180.000 đồng."Chị em phụ nữ công sở rất ưa thích thanh trà nhờ vị ngọt thơm, chế biến được nhiều món như: dầm đường đá, ngâm muối đường hoặc ăn trực tiếp. Thậm chí, nhiều người mua quả về để trưng trong nhà, trên bàn làm việc cho thơm," chị Vũ Thị Lụa, một tiểu thương bán thanh trà trên phố Lê Duẩn cho biết. Gần 1 tuần nay, ngoài vú sữa và quýt, chị Lụa còn bán thêm thanh trà Thái. So với các loại quả khác, thanh trà là mặt hàng bán rất chạy, không hôm nào ế hàng dù có giá thành đắt đỏ.
Nhộn nhịp những gánh hàng bán quả đặc sản - Ảnh 1.
Theo chị Lê Minh Anh (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) – một phụ nữ công sở rất nghiện món thanh trà dầm đường, thì hiện nay trên thị trường có 2 loại thanh trà là hàng Thái nhập khẩu và thanh trà trồng ở miền Tây. So với hàng Thái, thanh trà miền Tây có giá rẻ hơn, chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng vị lại chua, muốn ăn nhiều thì phải chấm đường hoặc muối. Người tiêu dùng có thể tùy khẩu vị mà chọn mua loại quả mình thích. Ngoài ăn trực tiếp, thanh trà còn có thể ngâm với đường làm nước uống hoặc xay ra pha vào sữa chua, vị ngọt thơm và màu sắc vàng ươm rất bắt mắt. Nhót chín Sau nhiều năm bị lãng quên, thứ quả "quê mùa" ngày nào lại được người dân phố thị ưa chuộng, cách thưởng thức cũng đa dạng hơn trước. Không chỉ có nhót chín chấm muối ớt, vài ba năm nay chị em công sở còn truyền tai nhau những món ăn chỉ nghĩ đã ứa nước miếng như nhót xanh dầm cay, nhót xanh cuộn lá bắp cải chấm chẩm chéo, nhót xanh nấu canh chua thịt nạc... Nhót là một trong những loại quả khá quen thuộc ở vùng quê miền Bắc. Mùa nhót thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 và chín rộ vào thời điểm đầu tháng 4. Quả khi chín có màu đỏ tươi, bên ngoài có một lớp phấn trắng, khi ăn có vị chua chua ngọt ngọt dễ gây nghiện. Thường ở quê, người ta thường cho trẻ nhỏ tha hồ hái nhót chín mà chẳng mất tiền mua. Nhưng khi "đặt chân" xuống Hà Nội, loại quả này vào đầu mùa còn đắt hơn cả xoài Thái hay cam, quýt... với giá bán mức 130.000 – 150.000 đồng /1kg. Khách hàng chủ yếu là chị em công sở, có người mua về văn phòng để cùng nhau tráng miệng sau bữa ăn trưa, có người thì tìm mua về cho con trẻ ở nhà thưởng thức cho biết đến "quà quê".
Nhộn nhịp những gánh hàng bán quả đặc sản - Ảnh 2.
" Những ngày này Hà Nội đang ấm dần lên , nhót chín rất nhanh. Nếu trời nắng ấm liên tục vài ngày là nhót sẽ chín hẳn, rất dễ hỏng nên chúng tôi không dám nhập hàng nhiều một lúc," chị Lại Thanh Sơn, một tiểu thương bán nhót tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội chia sẻ. " Mỗi ngày tôi chỉ nhập về khoảng 15kg, chủ yếu đi thu gom ở các làng quê có nhót ven đô. Đi thu mua thì lâu chứ 15 – 20kg nhót tôi chỉ bán khoảng nửa ngày là hết". Dâu tằm
Dâu tằm là loại quả chỉ ra một vụ duy nhất trong năm từ giữa tháng 3 đến khoảng giữa tháng 4 nên người tiêu dùng thường tranh thủ dịp này để mua với số lượng lớn. Trung bình mỗi khách mua từ 10 – 20kg, mang về ngâm nước uống để giải khát mùa nắng. Vì vậy, dù chỉ mới bắt đầu vào chính vụ nhưng thứ quả dân dã này đã tạo ra một sức hút lớn trên thị trường và được nhiều người tìm mua. Ở Hà Nội, dâu tằm được bán nhiều ở Phúc Thọ; thị trấn Phùng (Đan Phượng). Ngoài ra cũng xuất hiện tại các khu chợ dân sinh hoặc dọc nhiều tuyến phố như: Cầu Giấy; Thành Công (Đống Đa); Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Trãi… Những gánh hàng rong với rổ dâu tằm chín mọng thời gian này đang trở thành tâm điểm của đường phố. Chị Nguyễn Thị Thật (Phúc Thọ, Hà Nội) vừa cân dâu tằm bán cho khách vừa hào hứng cho hay, đây là dâu tằm trồng tại vườn nhà chị, ngoài bán cho thương lái chờ mua thì chị cũng tự đem dâu vào khu vực trung tâm thành phố bán cho vui. Giá dâu hiện  tại dao động 35.000 – 38.000 đồng/kg. Thời gian dâu chín sẽ kéo dài khoảng 30 – 45 ngày, trung bình mỗi ngày, nhà chị Thật hái được 60 – 80kg dâu, thu về cả triệu đồng.
Nhộn nhịp những gánh hàng bán quả đặc sản - Ảnh 3.
"Nhiều chị em phụ nữ ở công sở thích uống nước ép dâu tằm hoặc làm mứt, làm sốt. Nhiều gia đình thì thích ngâm rượu dâu tằm hay nước dâu tằm để uống giải khát. Vì thế, cứ tầm cuối tháng 3 nào cũng có khách hàng quen gọi điện hỏi xem tôi đi bán dâu chưa, ngồi bán ở đâu...," chị Thật vui vẻ kể. "Bây giờ có nhiều gia đình ở quê nhà tôi còn bán dâu tằm trên mạng, ship đến tận nơi. Khách hàng mua dâu tằm chủ yếu là chị em phụ nữ, vừa mua vừa truyền kinh nghiệm cho nhau, rất là vui".