16:03 28/12/2016

Tập đoàn Lộc Trời phát triển thương hiệu trái cây Việt

PV

Tập đoàn Lộc Trời phát triển thương hiệu trái cây Việt - Ảnh 1
Tháng 11/2015, tại tỉnh Bến Tre, Tập đoàn Lộc Trời và Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) chính thức phối hợp khởi động đề án xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn trái theo hướng phát triển bền vững, an toàn và chất lượng. Ông Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm chuyển giao kỹ thuật nghề vườn thuộc Sofri, cho biết đề án được thực hiện thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2015- 2016 và giai đoạn 2 từ năm 2017- 2020. Là thương hiệu nông nghiệp hàng đầu Ngày 23/8/2015, tại thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang ( AGPPS) quyết định đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời. Đằng sau quyết định này là sự chuyển mình lớn lao của cả tập đoàn. Xuất thân từ một tỉnh nhỏ của ĐBSCL, bắt đầu với lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, AGPPS đã từng bước trở thành người bạn thân thiết của bà con nông dân bằng chất lượng sản phẩm và chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu. Từ một doanh nghiệp nhỏ với doanh thu 13 tỷ đồng trong những năm đầu thành lập, năm 2015, AGPPS phấn đấu mức doanh thu 10.000 tỷ đồng, tiến tới mốc 1 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với đó, số tiền Doanh nghiệp nộp ngân sách hàng năm cũng không ngừng tăng lên, đạt mức gần 200 tỷ đồng/năm. Từ đầu những năm 2000, Ban lãnh đạo công ty đã nuôi quyết tâm xây dựng AGPPS trở thành một tập đoàn tầm vóc với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững hàng đầu thế giới. Hơn hai thập kỷ đi lên cùng ngành nông nghiệp Việt Nam, Bảo vệ thực vật An Giang chính thức triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng” từ năm 2006, tạo nên chuyển biến nhảy vọt trong việc tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại cho nông dân cả nước.

Tập đoàn Lộc Trời phát triển thương hiệu trái cây Việt - Ảnh 2

Bưởi da xanh- điểm nhấn trong xây dựng thương hiệu trái cây của Tập đoàn Lộc Trời

Cho thị trường nguồn trái cây đảm bảo chất lượng  Đề án chuỗi giá trị trên cây ăn trái nhằm tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân (kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, bảo quản sản phẩm…), xây dựng thương hiệu, và thu mua để tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Qua đó, đề án sẽ giúp ngành cây ăn trái tránh điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa và làm tăng thu nhập cho người nông dân. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết trong giai đoạn đầu, đề án chọn cây bưởi da xanh để xây dựng chuỗi giá trị và thực hiện thí điểm tại ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long với quy mô khoảng 100-120 héc ta/mô hình. Lý giải nguyên nhân chọn cây buởi da xanh để thực hiện thí điểm, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị cho rằng điều kiện thực tế của cây bưởi da xanh dễ thực hiện vì hội tụ được một số yếu tố như có sẵn vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn, thị trường tiêu thụ có với giá ổn định nhiều năm liền, và đặc biệt là có thể bảo quản được lâu. Bà Phan Thị Thu Sương, PGĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho hay, hiện nay toàn tỉnh có 27.500 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 330.000 tấn/năm. Riêng bưởi da xanh chiếm 20% diện tích và là một trong 5 loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế phát triển kinh tế vườn của tỉnh.  Bưởi da xanh là giống trái ngon có nguồn gốc ở xã Tân Thanh, huyện Mỏ Cày, Bến Tre được phát hiện qua các hội thi trái ngon do SOFRI kết hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức hàng năm.  Trong giai đoạn 2, từ năm 2017-2020, đề án sẽ mở rộng chuỗi giá trị sang một số loại cây trồng khác như xoài, thanh long, nhãn và một số cây chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phạm vi thực hiện của đề án cũng sẽ được mở rộng sang các tỉnh/thành khác như Đồng Tháp, Cần Thơ và Hậu Giang. Nâng cao thu nhập cho nông dân ĐBSCL là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái của cả nước nhưng hiện nay hoạt động sản xuất của người nông dân vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, điều kiện bảo quản còn hạn chế, không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, đa số sản phẩm sản xuất ra được nông dân bán ngay tại vườn, tức phải qua rất nhiều tầng nấc trung gian mới đến được nơi tiêu thụ, cho nên hiệu quả mang lại cho người nông dân còn thấp. Vì thế đề án sẽ phần nào giải quyết được những hạn chế hiện nay và giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngoài khởi động xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn trái, trước đó Tập đoàn Lộc Trời cũng đã xây dựng khá thành công chuỗi giá trị ngành lúa gạo ở ĐBSCL qua việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, và đang hỗ trợ tích cực cho bà con nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tái canh cây cà phê - bước đi đầu tiên trong chiến lược xây dựng chuỗi giá trị trên cây cà phê.
" Hiện toàn vùng ĐBSCL có 288.500 ha cây ăn quả, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Trong đó, diện tích trồng bưởi không ngừng tăng mạnh, với 25.300 ha, sản lượng đạt khoảng 300.000 tấn/năm. Giống bưởi da xanh đang được trồng nhiều ở Tiền Giang (3.800 ha), Hậu Giang (3.000 ha), Vĩnh Long vài trăm ha…".

Phạm Diệu