Tìm thuốc trị lạm phát
Lạm phát trong nền kinh tế nước ta đã “nhiễm bệnh” mấy năm nay rồi, song năm nay thì mới 9 tháng nguy cơ đã lộ rõ
Lạm phát trong nền kinh tế nước ta đã “nhiễm bệnh” mấy năm nay rồi, song năm nay thì mới 9 tháng nguy cơ đã lộ rõ.
Lạm phát luôn luôn bắt nguồn từ sự mất cân đối giữa tổng lượng hàng hóa và tổng lượng tiền cung ứng ra thị trường: hoặc là thiếu hàng hóa hoặc là thừa tiền. Đa phần các cuộc lạm phát trên thế giới thì nguyên nhân đều do chính sách tài chính, tiền tệ nên thuốc đặc trị cũng là các biện pháp tài chính tiền tệ, như vậy không có nghĩa là không điều chỉnh những bất cập trong chính sách tăng cung hàng hóa ra thị trường.
Việt Nam cũng đã nhiều lần gặp lạm phát, thậm chí những năm 1984 - 1988 lạm phát còn đến 3 con số và xấp xỉ 4 con số. Chính phủ cũng có lần thành công lớn trong chống lạm phát. Đó là phương án chống lạm phát bắt đầu thực thi ngày 18/3/1989.
Lúc đó, để khắc phục việc thừa tiền quá lớn trong lưu thông, Chính phủ đã phải đình chỉ phát hành tiền vào lưu thông, nâng lãi suất lên 12% tháng để hút tiền thừa trong lưu thông về, ngưng cấp vốn và tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, tự do hóa kinh doanh vàng và ngoại tệ.
Bên cạnh đó, do sản xuất yếu kém không đáp ứng được hàng hóa tiêu dùng trong nước, Nhà nước đã bỏ thuế quan và giảm sự kiểm soát, tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch tràn vào thị trường nội địa.
Phương án đó đã thành công rực rỡ và tạo bước ngoặt lớn cho nền kinh tế, vừa khắc phục lạm phát, khủng hoảng vừa đẩy mạnh việc chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang thị trường.
Tiền
Lạm phát lần này đã kéo dài tuy chưa vượt 2 con số nhưng lại phức tạp hơn nhiều do nền kinh tế đã ở trình độ cao hơn, các mối quan hệ đa dạng và phức tạp hơn. Mặc dù vậy bài thuốc điều trị chủ yếu vẫn thuộc về những chính sách và biện pháp trong lĩnh vực tiền và hàng.
Những bài thuốc đã áp dụng như: giảm thuế nhập khẩu, tiến hành thanh tra giá cả một số ngành hàng, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết giảm giá thì tác dụng vẫn hạn chế, chưa phải thuốc đặc trị.
Giảm thuế nhập khẩu hàng hóa mới tạo điều kiện để giảm giá. Việc giảm giá chỉ xảy ra khi có thị trường cạnh tranh thực sự, còn thị trường hàng hóa của nước ta còn mang nặng tính độc quyền, không có sức ép giảm giá hàng hóa, nên số tiền giảm thuế chỉ tạo ra lợi nhuận cho các nhà kinh doanh độc quyền.
Các biện pháp còn lại vẫn là biện pháp hành chính can thiệp, chưa phải là biện pháp kinh tế nên không có tác dụng bền vững.
Những nguyên nhân tài chính tiền tệ thì báo chí đều đã đề cập đến như cung tiền đồng để mua ngoại tệ dự trữ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tăng lương đồng loạt theo lệnh hành chính cho 4 triệu cán bộ viên chức nhà nước, chưa kể còn lực lượng vũ trang. Theo đó là tăng tiền chế độ chính sách, tiền trợ cấp các loại cho hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đối tượng.
Cách làm hành chính, đồng loạt, đồng đều như vậy đã gây tâm lý chạy đua đẩy giá hàng tiêu dùng lên đến mức chóng mặt, thực tế thì tăng lương chẳng bù lại được việc tăng giá trên thị trường. Tăng lương một đợt lại kích thích tăng giá hàng hóa kéo dài 6 tháng hoặc một năm chưa dứt!
Vốn đầu tư của Nhà nước, vốn giải ngân cho các dự án ODA tăng lên mạnh mẽ nhưng hiệu quả chưa thấy rõ. Tiền tung ra, tiến độ công trình chậm chạp, ruộng đất đang làm ra sản phẩm thì biến thành đất hoang hàng chục ngàn ha.
Vào dịp cuối năm thì lượng tiền này còn tuôn chảy mạnh hơn từ kho bạc ra thị trường. Còn các công trình thì có cách gì để tiêu hết tiền được ngoài việc làm hóa đơn chứng từ khống để thanh quyết toán cho đúng kế hoạch.
Kinh tế nước ta đã khá lên, ngân sách thu được cũng nhiều lên, vậy thì có bao nhiêu nguồn chi, khoản chi cần phải thiết thực, hiệu quả. Chỉ riêng các khoản lễ nọ, hội kia các loại cũng chi tiêu không ít tiền ngân sách nhà nước mà hiệu quả đến đâu chẳng thấy ai đánh giá.
Tóm lại phải rà soát tất cả các kênh, các cổng tung tiền ra thị trường để đảm bảo tiền đưa ra có hàng đối ứng, lại phải là hàng tốt, hàng chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hàng
Còn phía hàng hóa thì tình hình có gì đáng nói? Nhìn qua thì thấy thị trường hàng hóa phong phú, dồi dào không phải là cảnh khan hiếm, nghèo nàn. Điều này làm ta lại nghĩ đến “cái tủ kính bày hàng” của thị trường Sài Gòn trước năm 1975.
Bây giờ cả nước Việt Nam cũng tràn ngập hàng hóa của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan, rẻ, phong phú, hào nhoáng và đẹp mắt. Tuy nhiên hàng hóa nhập khẩu dù nhiều đến đâu cũng chỉ là những hàng hóa đem lại lợi nhuận xứng đáng cho nhà kinh doanh, nhiều lắm chỉ tính đến hàng ngàn mặt hàng. Còn nhu cầu xã hội 85 triệu dân Việt Nam phải tính đến hàng triệu mặt hàng, nhập khẩu đâu xuể, nhà nước thì không cho phép còn doanh nghiệp thì đâu phải cái gì cũng nhập.
Hàng triệu hàng hóa đó phụ thuộc vào hệ thống sản xuất trong nước, từ người nông dân cho đến mấy trăm ngàn doanh nghiệp các loại từ nông thôn đến thành thị. Các nhà lãnh đạo và quản lý hãy nhìn kỹ xem người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh trong điều kiện và môi trường như thế nào? Tại sao không đáp ứng được hàng hóa tiêu dùng cho xã hội?
Sự yếu kém của hệ thống sản xuất nước ta còn biểu hiện qua tình hình xuất nhập khẩu. Tình trạng nhập siêu ngày càng trầm trọng. Sau 20 năm hàng xuất khẩu nước ta vẫn là khoáng sản và nông sản thô các loại, còn hàng công nghiệp là gia công lắp ráp mà thôi.
Ngoài những lý do khách quan như là thiên tai, dịch bệnh thì những lý do chủ quan là gì? Tại sao hàng hóa thị trường thiếu, giá lên cao mà các nhà sản xuất không đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu? Có thể do trình độ kinh doanh của các nhà sản xuất nước ta còn thấp.
Tuy nhiên, theo quy luật vận động của thị trường mà xem xét thì chắc chắn ở đây có những cản trở nào đó kìm hãm sản xuất. Những điều kìm hãm đó không phải ở thị trường, không tại nhà sản xuất mà ở phía nhà nước.
Nhà nước luôn luôn nói đến động viên khuyến khích sản xuất, nhưng sản xuất là hoạt động cụ thể, thực tế không thể vận động bằng những lời nói mà được. Những chính sách về đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thuế khóa đã cải cách nhiều trên các văn bản, còn trong cuộc sống vẫn đầy ách tắc.
Các cơ sở sản xuất từ thành thị đến nông thôn đều đau đầu về mặt bằng sản xuất, có doanh nghiệp hai lần trả tiền đất vẫn không xong. Ngân hàng thì tuyên bố sẵn sàng cấp tín dụng nhưng bắt tay vào làm thủ tục vay vốn thì vướng đủ đường do các điều kiện đặt ra. Thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí.
Chính sách đã vậy, môi trường kinh doanh vẫn nhiều khó khăn. Đã bắt tay sản xuất thì không ở đâu dễ thở được. Trong cơ sở sản xuất có sẵn một loạt “đầu quản” thường xuyên hành doanh nghiệp, càng sản xuất lại càng “có tóc” cho người ta nắm.
Đi trên đường có lực lượng chăn dắt trên đường, không “tự làm luật” thì đừng tính chuyện lưu thông hàng hóa. Ra chợ có lực lượng làm luật ở chợ, từ chợ lớn đến chợ bé . Đến bến cảng, sân bay không “bôi trơn” không đi qua được.
Tất cả những lực lượng đó nhà nước sinh ra là để quản lý và giúp đỡ doanh nghiệp họat động thuận lợi nhưng thực tế đè nặng lên vai doanh nghiệp, đội chi phí lên gấp hai, gấp ba, làm gì còn lợi nhuận mà duy trì hoạt động. Vì vậy sản xuất èo uột, cầm chừng, chờ cải cách dài dài vẫn chưa tới.
Do đó đa số doanh nghiệp đăng ký chủ yếu để kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu hoặc dịch vụ gì đó không đầu tư sản xuất, xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng nhiều công nhân làm gì. Một số doanh nghiệp đăng ký xong là đánh quả, chụp giật vài phi vụ rồi giải tán, lặn mất tăm.
Hệ thống cơ sở sản xuất kinh doanh từ hộ nông dân đến các loại hình doanh nghiệp là căn cứ làm ra hàng hóa, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội nhưng hoạt động vật vã trong môi trường như vậy thì làm sao mà phát triển được. Tất nhiên không phải tất cả là như vậy, nhưng trong nền kinh tế nước ta thực sự vẫn còn một bộ phận không nhỏ các cơ sở sản xuất hoạt động trong tình cảnh như vậy, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp thì hoạt động không hiệu quả mà xã hội thì thiếu hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng. Điều đó không chỉ góp phần gia tăng lạm phát mà còn là nguyên nhân sâu xa, cơ bản làm cho nền kinh tế phát triển chất lượng thấp, thiếu bền vững, có tăng trưởng mà không đạt được sự phát triển tương xứng.
“Ứng xử” với tiền và hàng
Để chống lạm phát phải có những giải pháp tài chính, tiền tệ đủ liều kéo lạm phát xuống. Tiền thừa trong lưu thông phải có nhiều công cụ hút về như phát hành công trái, đấu thầu trái phiếu, thậm chí điều chỉnh lãi suất hấp dẫn hơn với tiền tiết kiệm. Việc phát hành bổ sung phương tiện lưu thông lại càng phải được cân nhắc thận trọng.
Còn việc tung tiền vào thị trường dù là vốn ngân sách hay vốn tín dụng đều phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, nhanh chóng tạo ra hàng hóa mới, tạo công ăn việc làm thực sự. Khắc phục tình trạng cuối năm cứ chi và cấp vốn cho đạt kế hoạch không cần biết tới thực trạng tiến độ thực hiện công trình dự án.
Để có tăng trưởng kinh tế ổn định bền vững thì phải tăng vốn đầu tư, nhưng chỉ là các khoản đầu tư hiệu quả, tác động nhanh, mạnh đến sản xuất kinh doanh. Không nên chạy theo một thành tích tăng trưởng cao mà kèm theo lạm phát, gây bất ổn cho nền kinh tế, hậu họa sẽ khôn lường.
Mặt khác phải khơi nguồn hàng, đẩy mạnh sản xuất từ nhỏ đến lớn, từ nông thôn đến thành thị. Để có một nền sản xuất sôi động, phải tiếp tục bổ sung chính sách, gỡ bỏ vướng mắc cản trở cho sản xuất bung ra.
Từ chính sách đất đai, tín dụng, thuế, tuyển dụng lao động đến cơ sở hạ tầng,điện nước, giao thông liên lạc, giải quyết vướng mắc đầu vào, đầu ra cho sản xuất. Cải thiện thực chất khâu thực thi và tính hiệu lực của chính sách, loại bỏ các cách hiểu và giải thích khác nhau của một chính sách, loại bỏ sự chồng chéo và bất cập của chính sách.
Thúc đẩy tự do lưu thông hàng hóa trong nước, đừng biến những việc kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường thành những rào chắn cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước.
Môi trường kinh doanh nước ta quá kém không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng ngán ngẩm. Hi vọng Chính phủ quyết tâm dọn dẹp mạnh hơn nữa, cải cách hành chính quyết liệt hơn. Cải cách đến tận từng vị trí, từng chỗ làm việc, từng nhân viên, không dừng lại trong các hội thảo, hội nghị truyền đạt chỉ thị, nghị quyết.
Cuối cùng, muốn có một hệ thống giá cả thị trường ổn định, giảm xuống mức phải chăng thì biện pháp chủ yếu là thiết lập thị trường cạnh tranh, chống độc quyền. Chỉ có các doanh nghiệp cạnh tranh thực sự mới có xu hướng giảm giá, giá cả mới phản ánh đúng hao phí lao động xã hội cần thiết tạo nên giá trị hàng hóa. Thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tiến tới xóa bỏ độc quyền là quy luật của phát triển.
Việt Nam đã từng chống được lạm phát, ngày nay có đủ kiến thức và kinh nghiệm để chống lạm phát. Đừng để bệnh nặng tán phát toàn thân thì hết đường cứu chữa.
Lạm phát luôn luôn bắt nguồn từ sự mất cân đối giữa tổng lượng hàng hóa và tổng lượng tiền cung ứng ra thị trường: hoặc là thiếu hàng hóa hoặc là thừa tiền. Đa phần các cuộc lạm phát trên thế giới thì nguyên nhân đều do chính sách tài chính, tiền tệ nên thuốc đặc trị cũng là các biện pháp tài chính tiền tệ, như vậy không có nghĩa là không điều chỉnh những bất cập trong chính sách tăng cung hàng hóa ra thị trường.
Việt Nam cũng đã nhiều lần gặp lạm phát, thậm chí những năm 1984 - 1988 lạm phát còn đến 3 con số và xấp xỉ 4 con số. Chính phủ cũng có lần thành công lớn trong chống lạm phát. Đó là phương án chống lạm phát bắt đầu thực thi ngày 18/3/1989.
Lúc đó, để khắc phục việc thừa tiền quá lớn trong lưu thông, Chính phủ đã phải đình chỉ phát hành tiền vào lưu thông, nâng lãi suất lên 12% tháng để hút tiền thừa trong lưu thông về, ngưng cấp vốn và tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, tự do hóa kinh doanh vàng và ngoại tệ.
Bên cạnh đó, do sản xuất yếu kém không đáp ứng được hàng hóa tiêu dùng trong nước, Nhà nước đã bỏ thuế quan và giảm sự kiểm soát, tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch tràn vào thị trường nội địa.
Phương án đó đã thành công rực rỡ và tạo bước ngoặt lớn cho nền kinh tế, vừa khắc phục lạm phát, khủng hoảng vừa đẩy mạnh việc chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang thị trường.
Tiền
Lạm phát lần này đã kéo dài tuy chưa vượt 2 con số nhưng lại phức tạp hơn nhiều do nền kinh tế đã ở trình độ cao hơn, các mối quan hệ đa dạng và phức tạp hơn. Mặc dù vậy bài thuốc điều trị chủ yếu vẫn thuộc về những chính sách và biện pháp trong lĩnh vực tiền và hàng.
Những bài thuốc đã áp dụng như: giảm thuế nhập khẩu, tiến hành thanh tra giá cả một số ngành hàng, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết giảm giá thì tác dụng vẫn hạn chế, chưa phải thuốc đặc trị.
Giảm thuế nhập khẩu hàng hóa mới tạo điều kiện để giảm giá. Việc giảm giá chỉ xảy ra khi có thị trường cạnh tranh thực sự, còn thị trường hàng hóa của nước ta còn mang nặng tính độc quyền, không có sức ép giảm giá hàng hóa, nên số tiền giảm thuế chỉ tạo ra lợi nhuận cho các nhà kinh doanh độc quyền.
Các biện pháp còn lại vẫn là biện pháp hành chính can thiệp, chưa phải là biện pháp kinh tế nên không có tác dụng bền vững.
Những nguyên nhân tài chính tiền tệ thì báo chí đều đã đề cập đến như cung tiền đồng để mua ngoại tệ dự trữ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tăng lương đồng loạt theo lệnh hành chính cho 4 triệu cán bộ viên chức nhà nước, chưa kể còn lực lượng vũ trang. Theo đó là tăng tiền chế độ chính sách, tiền trợ cấp các loại cho hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đối tượng.
Cách làm hành chính, đồng loạt, đồng đều như vậy đã gây tâm lý chạy đua đẩy giá hàng tiêu dùng lên đến mức chóng mặt, thực tế thì tăng lương chẳng bù lại được việc tăng giá trên thị trường. Tăng lương một đợt lại kích thích tăng giá hàng hóa kéo dài 6 tháng hoặc một năm chưa dứt!
Vốn đầu tư của Nhà nước, vốn giải ngân cho các dự án ODA tăng lên mạnh mẽ nhưng hiệu quả chưa thấy rõ. Tiền tung ra, tiến độ công trình chậm chạp, ruộng đất đang làm ra sản phẩm thì biến thành đất hoang hàng chục ngàn ha.
Vào dịp cuối năm thì lượng tiền này còn tuôn chảy mạnh hơn từ kho bạc ra thị trường. Còn các công trình thì có cách gì để tiêu hết tiền được ngoài việc làm hóa đơn chứng từ khống để thanh quyết toán cho đúng kế hoạch.
Kinh tế nước ta đã khá lên, ngân sách thu được cũng nhiều lên, vậy thì có bao nhiêu nguồn chi, khoản chi cần phải thiết thực, hiệu quả. Chỉ riêng các khoản lễ nọ, hội kia các loại cũng chi tiêu không ít tiền ngân sách nhà nước mà hiệu quả đến đâu chẳng thấy ai đánh giá.
Tóm lại phải rà soát tất cả các kênh, các cổng tung tiền ra thị trường để đảm bảo tiền đưa ra có hàng đối ứng, lại phải là hàng tốt, hàng chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hàng
Còn phía hàng hóa thì tình hình có gì đáng nói? Nhìn qua thì thấy thị trường hàng hóa phong phú, dồi dào không phải là cảnh khan hiếm, nghèo nàn. Điều này làm ta lại nghĩ đến “cái tủ kính bày hàng” của thị trường Sài Gòn trước năm 1975.
Bây giờ cả nước Việt Nam cũng tràn ngập hàng hóa của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan, rẻ, phong phú, hào nhoáng và đẹp mắt. Tuy nhiên hàng hóa nhập khẩu dù nhiều đến đâu cũng chỉ là những hàng hóa đem lại lợi nhuận xứng đáng cho nhà kinh doanh, nhiều lắm chỉ tính đến hàng ngàn mặt hàng. Còn nhu cầu xã hội 85 triệu dân Việt Nam phải tính đến hàng triệu mặt hàng, nhập khẩu đâu xuể, nhà nước thì không cho phép còn doanh nghiệp thì đâu phải cái gì cũng nhập.
Hàng triệu hàng hóa đó phụ thuộc vào hệ thống sản xuất trong nước, từ người nông dân cho đến mấy trăm ngàn doanh nghiệp các loại từ nông thôn đến thành thị. Các nhà lãnh đạo và quản lý hãy nhìn kỹ xem người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh trong điều kiện và môi trường như thế nào? Tại sao không đáp ứng được hàng hóa tiêu dùng cho xã hội?
Sự yếu kém của hệ thống sản xuất nước ta còn biểu hiện qua tình hình xuất nhập khẩu. Tình trạng nhập siêu ngày càng trầm trọng. Sau 20 năm hàng xuất khẩu nước ta vẫn là khoáng sản và nông sản thô các loại, còn hàng công nghiệp là gia công lắp ráp mà thôi.
Ngoài những lý do khách quan như là thiên tai, dịch bệnh thì những lý do chủ quan là gì? Tại sao hàng hóa thị trường thiếu, giá lên cao mà các nhà sản xuất không đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu? Có thể do trình độ kinh doanh của các nhà sản xuất nước ta còn thấp.
Tuy nhiên, theo quy luật vận động của thị trường mà xem xét thì chắc chắn ở đây có những cản trở nào đó kìm hãm sản xuất. Những điều kìm hãm đó không phải ở thị trường, không tại nhà sản xuất mà ở phía nhà nước.
Nhà nước luôn luôn nói đến động viên khuyến khích sản xuất, nhưng sản xuất là hoạt động cụ thể, thực tế không thể vận động bằng những lời nói mà được. Những chính sách về đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thuế khóa đã cải cách nhiều trên các văn bản, còn trong cuộc sống vẫn đầy ách tắc.
Các cơ sở sản xuất từ thành thị đến nông thôn đều đau đầu về mặt bằng sản xuất, có doanh nghiệp hai lần trả tiền đất vẫn không xong. Ngân hàng thì tuyên bố sẵn sàng cấp tín dụng nhưng bắt tay vào làm thủ tục vay vốn thì vướng đủ đường do các điều kiện đặt ra. Thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí.
Chính sách đã vậy, môi trường kinh doanh vẫn nhiều khó khăn. Đã bắt tay sản xuất thì không ở đâu dễ thở được. Trong cơ sở sản xuất có sẵn một loạt “đầu quản” thường xuyên hành doanh nghiệp, càng sản xuất lại càng “có tóc” cho người ta nắm.
Đi trên đường có lực lượng chăn dắt trên đường, không “tự làm luật” thì đừng tính chuyện lưu thông hàng hóa. Ra chợ có lực lượng làm luật ở chợ, từ chợ lớn đến chợ bé . Đến bến cảng, sân bay không “bôi trơn” không đi qua được.
Tất cả những lực lượng đó nhà nước sinh ra là để quản lý và giúp đỡ doanh nghiệp họat động thuận lợi nhưng thực tế đè nặng lên vai doanh nghiệp, đội chi phí lên gấp hai, gấp ba, làm gì còn lợi nhuận mà duy trì hoạt động. Vì vậy sản xuất èo uột, cầm chừng, chờ cải cách dài dài vẫn chưa tới.
Do đó đa số doanh nghiệp đăng ký chủ yếu để kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu hoặc dịch vụ gì đó không đầu tư sản xuất, xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng nhiều công nhân làm gì. Một số doanh nghiệp đăng ký xong là đánh quả, chụp giật vài phi vụ rồi giải tán, lặn mất tăm.
Hệ thống cơ sở sản xuất kinh doanh từ hộ nông dân đến các loại hình doanh nghiệp là căn cứ làm ra hàng hóa, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội nhưng hoạt động vật vã trong môi trường như vậy thì làm sao mà phát triển được. Tất nhiên không phải tất cả là như vậy, nhưng trong nền kinh tế nước ta thực sự vẫn còn một bộ phận không nhỏ các cơ sở sản xuất hoạt động trong tình cảnh như vậy, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp thì hoạt động không hiệu quả mà xã hội thì thiếu hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng. Điều đó không chỉ góp phần gia tăng lạm phát mà còn là nguyên nhân sâu xa, cơ bản làm cho nền kinh tế phát triển chất lượng thấp, thiếu bền vững, có tăng trưởng mà không đạt được sự phát triển tương xứng.
“Ứng xử” với tiền và hàng
Để chống lạm phát phải có những giải pháp tài chính, tiền tệ đủ liều kéo lạm phát xuống. Tiền thừa trong lưu thông phải có nhiều công cụ hút về như phát hành công trái, đấu thầu trái phiếu, thậm chí điều chỉnh lãi suất hấp dẫn hơn với tiền tiết kiệm. Việc phát hành bổ sung phương tiện lưu thông lại càng phải được cân nhắc thận trọng.
Còn việc tung tiền vào thị trường dù là vốn ngân sách hay vốn tín dụng đều phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, nhanh chóng tạo ra hàng hóa mới, tạo công ăn việc làm thực sự. Khắc phục tình trạng cuối năm cứ chi và cấp vốn cho đạt kế hoạch không cần biết tới thực trạng tiến độ thực hiện công trình dự án.
Để có tăng trưởng kinh tế ổn định bền vững thì phải tăng vốn đầu tư, nhưng chỉ là các khoản đầu tư hiệu quả, tác động nhanh, mạnh đến sản xuất kinh doanh. Không nên chạy theo một thành tích tăng trưởng cao mà kèm theo lạm phát, gây bất ổn cho nền kinh tế, hậu họa sẽ khôn lường.
Mặt khác phải khơi nguồn hàng, đẩy mạnh sản xuất từ nhỏ đến lớn, từ nông thôn đến thành thị. Để có một nền sản xuất sôi động, phải tiếp tục bổ sung chính sách, gỡ bỏ vướng mắc cản trở cho sản xuất bung ra.
Từ chính sách đất đai, tín dụng, thuế, tuyển dụng lao động đến cơ sở hạ tầng,điện nước, giao thông liên lạc, giải quyết vướng mắc đầu vào, đầu ra cho sản xuất. Cải thiện thực chất khâu thực thi và tính hiệu lực của chính sách, loại bỏ các cách hiểu và giải thích khác nhau của một chính sách, loại bỏ sự chồng chéo và bất cập của chính sách.
Thúc đẩy tự do lưu thông hàng hóa trong nước, đừng biến những việc kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường thành những rào chắn cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước.
Môi trường kinh doanh nước ta quá kém không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng ngán ngẩm. Hi vọng Chính phủ quyết tâm dọn dẹp mạnh hơn nữa, cải cách hành chính quyết liệt hơn. Cải cách đến tận từng vị trí, từng chỗ làm việc, từng nhân viên, không dừng lại trong các hội thảo, hội nghị truyền đạt chỉ thị, nghị quyết.
Cuối cùng, muốn có một hệ thống giá cả thị trường ổn định, giảm xuống mức phải chăng thì biện pháp chủ yếu là thiết lập thị trường cạnh tranh, chống độc quyền. Chỉ có các doanh nghiệp cạnh tranh thực sự mới có xu hướng giảm giá, giá cả mới phản ánh đúng hao phí lao động xã hội cần thiết tạo nên giá trị hàng hóa. Thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tiến tới xóa bỏ độc quyền là quy luật của phát triển.
Việt Nam đã từng chống được lạm phát, ngày nay có đủ kiến thức và kinh nghiệm để chống lạm phát. Đừng để bệnh nặng tán phát toàn thân thì hết đường cứu chữa.