12:56 14/04/2021

Tín dụng vào chứng khoán bất ngờ giảm 1%, vào bất động sản tăng 3%

Đào Vũ

Tín dụng vào chứng khoán vào tháng 11 và tháng 12 năm 2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1/2021 đã giảm khoảng 10%, từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại đưa về chỉ giảm 1% so với cuối năm 2020

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

Thông tin tại hội nghị công tác tín dụng năm 2021 của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm tăng yếu nhưng đã bật tăng vào tháng 3/2021.

Ngay từ đầu năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ khoảng 12% và được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Ông Tuấn Anh cho biết, với các giải pháp tổng thể, tăng trưởng tín dụng đã dần hồi phục trong thời gian qua. Qua theo dõi, tín dụng tăng trưởng dương ngay từ đầu năm, tháng 1 tăng 0,76%; tháng 2 tăng thấp 0,66% do dịch Covid-19 bùng phát và cải thiện rõ rệt trong tháng 3/2021 đạt 2,93%, cao hơn cùng kỳ 2020 (1,3%).

Về cơ cấu tín dụng, ngành ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 2,42%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 3,42%; ngành thương mại và dịch vụ tăng 2,79%, hỗ trợ mức tăng GDP các ngành tương ứng là 3,16%, 6,3% và 3,34%.

Bên cạnh đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có tăng trưởng dương, trong đó tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,5%; Công nghiệp hỗ trợ tăng 3,04% là 2 lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm 2020; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 0,5%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 2,5%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%.

Đáng chú ý, vị Vụ trưởng cho hay, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán trên 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%; tín dụng bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020.

“Tín dụng vào chứng khoán vào tháng 11 và tháng 12 năm 2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1/2021 đã giảm khoảng 10%, từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại đưa về chỉ giảm 1% so với cuối năm 2020. Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt như tín dụng dụng BOT, BT giao thông khoảng trên 108 nghìn tỷ đồng, giảm 0,15%; tín dụng phục vụ đời sống đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,2%", ông Tuấn Anh cho biết.

Ông Tuấn Anh còn nhấn mạnh, với việc một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước và trên thế giới thời gian qua có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nhận diện và có biện pháp phòng ngừa.