09:50 27/12/2019

Tính mùa vụ của lãi suất VND liên ngân hàng đã thay đổi

Đào Hưng

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND liên tục giảm và tiệm cận lãi suất USD

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trái ngược với tính mùa vụ mọi năm, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng càng về cuối năm 2019 lại càng có xu hướng giảm sâu.

Theo ghi nhận từ một thành viên tham gia thị trường, ngày hôm 25/12, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,08 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm so với phiên liền trước. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 1,80%; 1 tuần 2,42%; 2 tuần 3,12% và 1 tháng 3,72%.

Trong khi đó, đối với USD, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ trở lại 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Giao dịch tại qua đêm 1,79%; 1 tuần 1,86%; 2 tuần 1,93% và 1 tháng 2,08%.

hư vậy, riêng ở kỳ hạn qua đêm, lãi suất VND và USD đã tiệm cận nhau, mức chênh lệch chỉ còn là 0,01%.

Quay lại thời điểm vào đầu tháng 11/2019, khi hiệu lực Thông tư 58/2019/TT-BTC về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, số tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước được tập trung về tài khoản ở Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để tại các ngân hàng thương mại, thanh khoản hệ thống bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng.

Lúc này, lãi suất VND trên liên ngân hàng tăng nóng và liên tục vượt mốc 4% ở tất cả các kỳ hạn, cao điểm lên tới gần 5%. Tuy nhiên, với diễn biến trong những ngày vừa qua, lãi suất VND đã cho thấy những biến động trái ngược. 

Thậm chí, càng về những ngày cuối năm, thời điểm mang tính mùa vụ của hệ thống thì lãi suất liên ngân hàng ở từng kỳ hạn chỉ bằng nửa so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cùng quãng thời gian này năm 2018, lãi suất VND trên liên ngân hàng rơi vào khoảng 4,6 – 5% tuỳ kỳ hạn.

Theo giới chuyên môn, lượng tiền đối ứng khi Ngân hàng Nhà nước nâng dự trữ ngoại hối lên kỷ lục, ước khoảng 73 tỷ USD đã góp phần cấu thành lên diễn biến trái ngược trên của lãi suất VND trên liên ngân hàng.

Đáng chú ý, cũng giống lãi suất, thanh khoản hệ thống cũng có diễn biến trái ngược với cùng kỳ năm 2018. Nếu như vào tầm này năm ngoái, các tổ chức tín dụng phải tiếp cận nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng, thì đến nay phía nhà điều hành liên tục phải hút ròng tiền về, số dư trên kênh cầm cố (OMO) đến ngày 25/12 chỉ còn 2.804 tỷ đồng.