19:25 24/02/2018

Tổ hợp hoá dầu 5,4 tỷ USD “thức giấc” sau 10 năm

An Nhiên

Sau 10 năm lận đận với việc giải phóng mặt bằng, vốn và chuyển nhượng cổ phần, Tổ hợp hóa dầu Miền Nam đã chính thức được khởi công

Tổ hợp Lọc hoá dầu Long Sơn với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.
Tổ hợp Lọc hoá dầu Long Sơn với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.

Ngày 24/2, tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án trọng điểm Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (Long Sơn Petrochemicals - LSP).

Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn (liên doanh giữa Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Petro Vietnam) đầu tư trên diện tích khoảng 464ha và 194ha mặt nước cho cảng biển với tổng vốn đầu tư khoảng 3,77 tỷ USD, dự kiến tăng vốn đầu tư lên 5,4 tỷ USD.

Đây là tổ hợp hoá dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin lên tới 1,6 triệu tấn/năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Các sản phẩm này có thể giúp thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu.

Thời gian thi công dự án là 5 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022. Dự án sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động trong quá trình xây dựng.

Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư năm 2008 với vốn đầu tư 3,7 tỷ USD với sự tham gia của 3 tập đoàn: Petro Vietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn SCG của Thái Lan. 

Sau nhiều khó khăn Vinachem rút vốn và thế chỗ vị trí này là Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI). Đầu tháng 4/2017, QPI cũng quyết định rút toàn bộ vốn tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chuyển nhượng phần vốn này cho SCG. Nhờ đó, vốn của SCG tại tổ hợp này nâng từ 46% lên 71%.

Ban đầu dự án có vốn khoảng 3,7 tỷ USD sau đó đã được điều chỉnh lên tới hơn 4 tỷ USD và hiện là 5,4 tỷ USD. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.

Dự án gặp nhiều vướng mắc về vốn cũng như giải phóng mặt bằng nên chậm trễ nhiều năm nay chưa thể triển khai. 

Mới đây, Petro Vietnam cũng tiết lộ về kế hoạch khởi động tổ hợp này. Sau khi hoàn thành, tổ hợp sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước khoảng 115 triệu USD mỗi năm (khoảng 2.500 tỷ đồng) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Petro Vietnam còn cho biết phía SCG có ý định mua lại toàn bộ phần vốn góp của tập đoàn tại đây.