15:47 21/05/2021

Tp.HCM dừng phục vụ tại chỗ hàng quán nhỏ từ 0h ngày 22/5

Minh Tâm

Từ 0h ngày 22/5, Tp.HCM dừng phục vụ tại chỗ đối với hàng quán và chỉ phục vụ với hàng bán mang đi.Các nhà hàng lớn không bán cho hơn 20 khách cùng lúc…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp sáng 21/5/2021.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp sáng 21/5/2021.

Đó là chỉ đạo của chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào sáng ngày 21/5.

DỪNG PHỤC VỤ TẠI CHỖ HÀNG QUÁN NHỎ

Vấn đề này được đặt ra khi thành phố phát hiện các ca bệnh xuất phát từ các quán ăn gia đình (vừa và nhỏ).

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong, tính đến nay là ngày thứ 25 dịch bùng phát tại Việt Nam, với 1.786 ca mắc mới trong cộng đồng tại 30 tỉnh, thành phố và là ngày thứ bảy liên tiếp ghi nhận trên 100 ca mắc mới mỗi ngày. Trong đó tiêu điểm vẫn là các khu công nghiệp với 938 ca mắc mới (cập nhật đến ngày 20/5/2021), chiếm 52,5% tổng số ca nhiễm cộng đồng của cả nước.

Tại Tp.HCM, từ ngày 18/5/2021 đến nay đã xuất hiện 06 ca nhiễm mới tại cộng đồng sau hơn 20 ngày không xuất hiện ca nhiễm. Thành phố đã thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch, lấy hơn 10.000 mẫu để xét nghiệm đối với các ca lây nhiễm, hầu hết có kết quả âm tính và hiện nay đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tuy nhiên nguy cơ vẫn luôn thường trực khi xuất hiện thêm 03 chuỗi lây nhiễm mới ở thành phố Thủ Đức, quán ăn ở quận 3 và tiệm cơm ở quận Gò Vấp chỉ trong thời gian rất ngắn. Trong đó đáng lo ngại bệnh nhân ở thành phố Thủ Đức (liên quan chuỗi lây bệnh công ty ở quận 3) nhiễm biến chủng ở Ấn Độ, được WHO cảnh báo rất nguy hiểm, lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao...

Ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các Sở - ngành, đơn vị liên quan, đặt biệt là Sở Y tế Thành phố, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC)  trong công tác phát hiện, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm để kịp thời kiểm soát tình hình dịch bệnh, chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu: “Các ngành phải bình tĩnh, tập trung cao độ, từng ngày, từng giờ, từng phút; nếu sơ suất, chủ quan, lơ là, hậu quả sẽ rất nặng nề”, ông Phong nhấn mạnh.

Với các ca lây nhiễm, ông Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức phải xác định công tác chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm số 1, cấp bách, khẩn cấp nhất hiện nay.

 

"Mọi người phải hành động vì sức khỏe của người dân thành phố. Đó là mệnh lệnh. Muốn đạt được điều này, cần phải kiểm soát các nhóm nguy cơ; cán bộ công chức, viên chức gương mẫu đi đầu vận động người thân trong gia đình phòng chống dịch" ông Phong đề nghị.

Sau góp ý của đại diện các quận huyện và thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong kết luận, đối với quán ăn nhỏ ven đường chỉ cho bán mang về hoặc bán online, không cho bán tập trung. Nếu vi phạm thì sẽ bị phạt nguội thông qua hệ thống camera hoặc các biện pháp, thiết bị khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Còn với các nhà hàng ăn uống có trên 10 lao động, ông đề nghị không tập trung quá 20 người, khi hoạt động phải thực hiện giãn cách. Nhà hàng, khách sạn cũng tương tự, không được tập trung quá 20 người.

Thời điểm áp dụng từ 0h ngày 22/5 cho đến khi có thông báo mới.

CHẤP NHẬN HY SINH LỢI ÍCH KINH TẾ VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Ngoài chỉ đạo về phục vụ hàng quán nói trên, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu thực hiện nghiêm một số việc để kiểm soát công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể: tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ, hoạt động tôn giáo có quy mô 20 người trở lên; Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 30 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 20 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Các sự kiện chưa thật sự cần thiết nên dời thời gian tổ chức để đảm bảo an toàn với dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

 

"Các phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn khi phát hiện người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mất vị giác phải lập danh sách (họ tên, số điện thoại, chỗ ở hiện tại, thời gian đến mua thuốc) và thông báo ngay với các cơ sở y tế trên địa bàn. Cơ sở nào vi phạm sẽ rút giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Giao Sở Y tế đẩy mạnh công tác truy vết ca nhiễm và xét nghiệm trên diện rộng đối với các khu vực có ca nhiễm trên địa bàn. 

Sở Giao thông vận tải yêu cầu các hãng xe công nghệ, phương tiện vận tải hành khách công cộng, các hãng taxi trong điều kiện dịch bệnh cần giảm số lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn TP và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố.

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND các quận - huyện: Tiếp tục thực hiện nghiêm Công văn số 1558/UBND-VX ngày 17/5/2021 của UBND TP về tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghê cao và doanh nghiệp.Ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lao động nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú trái phép.

Ngoài ra, lãnh đạo Tp.HCM cũng kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên hợp đồng (khoảng 123.000 người) đang làm việc tại Tp.HCM phải gương mẫu trong việc chấp hành yêu cầu 5K của ngành y tế, đặc biệt nên hạn chế tối đa việc ăn uống, tiếp khách ở bên ngoài trụ sở cơ quan và nơi ở.

"Vì sức khoẻ, sự an toàn của cả cộng đồng lớn nên chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế và thói quen sinh hoạt bình thường của bà con thành phố", Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 

Sở Thông tin & Truyền thông "phản ứng hơi chậm" trước thông tin giả vào 22h ngày 18/5 vừa qua. Đồng thời đề nghị các đơn vị tổ chức tuyên truyền vận động người dân nhận diện thông tin giả. "Đề nghị Công an Tp.HCM phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông vào cuộc xác minh, truy nguồn tin giả từ đâu để có hướng xử lý dập tắt, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử sắp tới", chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhắc nhở.