11:57 26/11/2020

Trả lương nghìn USD, doanh nghiệp vẫn khó tuyển nhân sự giỏi

Phúc Minh

Nhiều doanh nghiệp, nhất là khối công nghệ thông tin sẵn sàng trả mức lương nghìn USD, song vẫn khó tuyển được các kỹ sư giỏi

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau thời gian "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp bắt đầu sôi động trở lại. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương khủng để "hút" lao động.

"KHÁT" NHÂN SỰ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, KỸ SƯ GIỎI

Bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng nhóm Nhân sự VNPay cho biết, hiện doanh nghiệp này đang cần tuyển nhiều vị trí liên quan đến lập trình, công nghệ mới như data engineer, blockchain... với mức lương sẽ dựa trên thỏa thuận tùy vào năng lực. Tuy nhiên, với những ứng viên mới ra trường, mức lương sẽ dao động từ 9-15 triệu đồng/tháng, riêng các vị trí về AI, data engineer do yêu cầu có kinh nghiệm cao hơn nên mức lương cơ bản sẽ là trên 20 triệu đồng/tháng.

Do hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử nên theo bà Bình, dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty, đó là lý do doanh nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng không giới hạn, đặc biệt các vị trí lập trình, kỹ thuật.

Mặc dù vậy, theo bà Bình, công ty sẽ tuyển dụng thành nhiều đợt, không tuyển quá ồ ạt cùng một thời điểm, mục đích là đảm bảo chất lượng của nhân sự cũng như quá trình đào tạo phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp.

Ở một doanh nghiệp công nghệ khác là FPT Software, ông Phạm Hữu Hậu, Phụ trách nhân sự cũng cho biết, công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng liên tục không giới hạn lập trình viên, bao gồm cả lập trình viên chuyên nghiệp, lập trình viên có từ một năm kinh nghiệm trở xuống và sinh viên thực tập.

Về mức lương, theo ông Hậu công ty sẽ trao đổi cụ thể trong quá trình phỏng vấn và test năng lực của ứng viên, tuy nhiên thông thường với ứng viên mới ra trường sẽ từ 8-15 triệu đồng/tháng, còn với những lập trình viên chuyên nghiệp thì sẽ phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm và năng lực mà mức lương cao nhất có thể nhận là 5.000 USD/tháng.

Do yêu cầu mở rộng sản xuất, Bà Trần Thị Ngoan, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi – Hanel cũng cho biết, từ nay đến cuối năm công ty đang cần tuyển nhiều vị trí như phiên dịch, kỹ sư, quản lý khối kỹ thuật. Là doanh nghiệp liên doanh với Nhật Bản nên theo bà Ngoan, các ứng viên có tiếng Nhật từ N2 trở lên và giỏi tiếng Anh sẽ có lợi thế hơn, mức lương sẽ trả xứng đáng vào năng lực, với các kỹ sư mới ra trường mức lương sẽ là gần 10 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phụ trách nhân sự Công ty TNHH Kyoei Việt Nam thông tin, hiện công ty này cũng đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật có tay nghề. "Nếu năng lực ứng viên tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc và trải qua bài test kiểm tra trình độ thì sẽ được công ty trả lương theo đúng năng lực chứ không cố định một mức cụ thể. Tuy nhiên, thông thường mức lương chuyên gia sẽ từ 20 – 30 triệu đồng, nhân viên kỹ thuật sẽ từ 10 -20 triệu đồng/tháng", bà Thủy cho biết.

LƯƠNG CẠNH TRANH VẪN KHÓ TUYỂN NGƯỜI

Nhu cầu tuyển dụng liên tục, mức lương khá cạnh tranh, đặc biệt ở khối doanh nghiệp công nghệ thông tin, cơ khí, song theo đánh giá của các doanh nghiệp thì rất khó để tuyển đủ được nhân sự có chất lượng.

Ông Phạm Hữu Hậu (FPT Software) thừa nhận, dù công ty đưa ra mức lương hấp dẫn và áp dụng nhiều kênh khác nhau như thông qua các sàn giao dịch việc làm, tuyển dụng online, thậm chí đến trực tiếp các trường đại học nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động thời điểm cuối năm.

Tuy nhiên, theo ông Hậu thị trường công nghệ thông tin hiện nay đang khá cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang được kiểm soát cộng với thời điểm cuối năm, các dự án của công ty đang khởi động lại nên đều có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động.

Ông Hậu cũng thông tin, theo một khảo sát của của FPT thì hàng năm, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp công nghệ thông tin tăng từ 40-50%. Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng giảm còn khoảng 30%. Hiện thị trường đang thiếu khoảng 200.000 nhân sự công nghệ thông tin.

Một trong những nguyên do ông Hậu lý giải cho việc doanh nghiệp tuyển dụng liên tục nhưng vẫn không có đủ nhân sự là do ngành công nghệ thông tin luôn có sự đào thải liên tục, thậm chí với những kỹ sư giỏi các công ty sẵn sàng cạnh tranh nhau để "chiêu mộ" về doanh nghiệp của mình.

Ngoài ra, vẫn có một tỷ lệ lớn nguồn nhân lực sau ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp vẫn mất thời gian đào tạo lại. "Có khoảng 60% sinh viên mới ra trường chúng tôi phải đào tạo lại, chỉ 40% có thể làm việc được ngay. Các kỹ năng phải đào tạo lại chủ yếu là ngoại ngữ, kỹ năng mềm, làm việc nhóm, viết CV, chuyên môn", ông Hậu thông tin.

Cũng cho rằng, thị trường công nghệ thông tin hiện đang rất sôi động ở Việt Nam Bà Nguyễn Thanh Bình (VNPay) nhìn nhận số lượng ứng viên hiện tại cung chưa đáp ứng cầu của các doanh nghiệp. Do đó, rất cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo được nhân lực đáp ứng được cả số lượng lẫn chất lượng.

Trong khi đó, cái thiếu của ứng viên mới ra trường vẫn là kỹ năng mềm, kinh nghiệm về làm việc nhóm, tiếng anh chưa đạt để tham gia các dự án nước ngoài. Theo bà Bình, bên cạnh việc chủ động hơn trong tìm kiếm các công ty để thực tập sớm, sinh viên cần thay đổi suy nghĩ. "Các bạn có thể nghĩ mình mới nên chưa được giao nhiều việc nhưng có giao việc hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của bạn, cũng như mong muốn được đóng góp sức mình cho công ty chứ không phải đến là doanh nghiệp phải có trách nhiệm dạy cho mình ", bà Nguyễn Thanh Bình nêu quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (Công ty TNHH Kyoei Việt Nam) cũng cho rằng, lý do doanh nghiệp luôn mong muốn tuyển dụng các lao động đã có kinh nghiệm thay sinh viên mới tốt nghiệp do tâm lý chung là rất "ngại" phải đào tạo lại vì mất quá nhiều thời gian.

Theo bà Thủy, trên thực tế có thời điểm công ty vẫn chấp nhận đào tạo lại, nhưng với những dự án cần người làm được việc luôn thì doanh nghiệp không thể chờ mà phải tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm.