09:00 11/12/2007

Tranh chấp nội bộ cổ đông Thủy điện Hương Sơn

Minh Đức

Mấu chốt quan trọng trong quá trình xem xét vấn đề về tranh chấp nội bộ cổ đông Thủy điện Hương Sơn đã bị bỏ qua

Đến thời điểm này, đại diện cơ quan cấp phép và Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn đều khẳng định rằng tư cách cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng không còn.
Đến thời điểm này, đại diện cơ quan cấp phép và Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn đều khẳng định rằng tư cách cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng không còn.
Như chúng tôi đã phản ánh trong bài viết trước, quyền cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng tại Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn đã bị tước bỏ.

Sự tước bỏ đó cũng như quá trình xem xét vấn đề của các cơ quan chức năng đã bỏ qua một mấu chốt quan trọng. 

Đến thời điểm này, đại diện cơ quan cấp phép và Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn (Thủy điện Hương Sơn) đều khẳng định rằng tư cách cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng không còn.

Chưa chuyển nhượng đã mất quyền

Với Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, Thủy điện Hương Sơn tiếp tục hoạt động mà không có Công ty Hạ tầng trong danh sách cổ đông sáng lập. Việc phục hồi Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh mà Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh thực hiện, theo ông Phan Khắc Nguyên, Phó phòng, là theo chỉ đạo của UBND tỉnh (từ Quyết định số 2570).

Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh mà Thủy điện Hương Sơn hiện có (gồm 3 cổ đông sáng lập với sự “lấp đầy” phần cổ phần của Công ty Hạ tầng), kết luận của đoàn thanh tra, Quyết định 2570 của UBND tỉnh đều không đề cập đến việc cổ phần của Công ty Hạ tầng chưa chuyển nhượng trên thực tế.

Trong quá trình thanh tra, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó chánh văn phòng Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đã không kiểm tra những thay đổi liên quan đến cổ phần, cổ đông trong nội bộ Thủy điện Hương Sơn.

Theo đó, việc chuyển nhượng trên thực tế đã diễn ra hay chưa thuộc về nội bộ công ty, còn thanh tra chỉ thực hiện nhiệm vụ xác minh việc Phòng Đăng ký kinh doanh ra Quyết định số 10 về việc hủy Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh sửa đổi lần hai (không có cổ đông sáng lập là Công ty Hạ tầng) có đúng thẩm quyền hay không. Tuy nhiên, chính những kết luận của thanh tra lại là cơ sở để UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 2570 chính thức tước bỏ tư cách cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng.

Trả lời phóng viên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Phòng Đăng ký kinh doanh đều khẳng định Công ty Hạ tầng không còn là cổ đông sáng lập tại Thủy điện Hương Sơn, dù đều thừa nhận chưa có việc chuyển nhượng cổ phần trên thực tế. Ông Hoàng Đức Triệu, Tổng giám đốc Thủy điện Hương Sơn, cũng có cùng khẳng định trên.

Đặc biệt, ông Triệu nhấn mạnh rằng việc chuyển nhượng trên “không phải là chuyển nhượng mà là rút vốn và các cổ đông sáng lập còn lại cùng nhau gánh vác phần vốn góp của Công ty Hạ tầng theo tỷ lệ mà mỗi thành viên có thể đảm nhận”.

Như vậy, theo ông Triệu, phần Công ty Hạ tầng nắm giữ không phải là cổ phần mà là phần vốn góp ban đầu để gây dựng nên Thủy điện Hương Sơn; vấn đề là Công ty Hạ tầng rút vốn và các thành viên còn lại “gánh vác” tỷ lệ 20% cổ phần bị rút ra đó, dù chưa có chuyển nhượng, thanh toán trên thực tế.

Tuy nhiên, trong các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 1, sửa đổi lần 2, bên cạnh tên cổ đông sáng lập còn ghi rõ đơn vị nắm giữ là “cổ phần” chứ không phải phần vốn góp (tính theo đơn vị tiền). Đại diện Công ty Hạ tầng cũng khẳng định là họ góp vốn từ đầu với tư cách cổ đông sáng lập theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ và cả quyền biểu quyết chứ không đơn thuần là tiền góp rồi sau đó rút tiền về.

Một điểm nữa là dù chưa có thỏa thuận chuyển nhượng, nhưng trong Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện tại của Thủy điện Hương Sơn, số cổ phần của 3 cổ đông sáng lập còn lại đã trám hết 100% tổng số cổ phần của công ty. Từ đây, 20% cổ phần của Công ty Hạ tầng trở nên “vô danh”, ngoài cơ cấu.

Khó tìm tiếng nói chung

Theo đại diện Công ty Hạ tầng, trong quá trình xem xét vấn đề, mấu chốt quan trọng nhất là việc chuyển nhương có được tiến hành trên thực tế hay không lại không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

“Chúng tôi rất bất bình trước sự vô lý quá rõ ràng là một người chưa chết mà đã bị cấp giấy khai tử. Chúng tôi thông báo bán nhà, nhưng chưa chuyển quyền sử dụng, chưa nhận tiền mà đã bị chiếm dụng, bị đập đổ để cơ cấu lại. Và khi cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định lại không xét đến thực tế này”, ông Hoàng Anh Tuấn, luật sư đại diện Công ty Hạ tầng nói.

Trả lời về thực tế trên, cả đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh và Phòng Đăng ký kinh doanh đều cho rằng họ cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Thủy điện Hương Sơn là trên cơ sở hồ sơ doanh nghiệp gửi về và Thủy điện Hương Sơn sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý, chính xác của hồ sơ đó. Ông Trần Đình Hòa, Phó giám đốc Sở, cho rằng vấn đề chuyển nhượng cổ phần hay chưa sẽ do cơ quan chức năng xem xét và “chúng tôi cũng chưa hiểu hết vấn đề này”.

Còn ông Phan Khắc Nguyên, Phó phòng Đăng ký kinh doanh, cho rằng “theo luật quy định, chúng tôi phải cấp đăng ký kinh doanh, mặc dù thực chất trong nội bộ công ty có thể có những phần chưa hoàn thiện”(!?). Đáng chú ý là trước đó, Phòng Đăng ký kinh doanh đã hai lần khẳng định sự đúng đắn khi khôi phục lại quyền cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng (tính đúng đắn đó đã bị UBND tỉnh bác bỏ trong Quyết định số 2570).

Để giải quyết dứt điểm tranh chấp nội bộ hiện nay, ý kiến của các bên liên quan đều cùng quan điểm là phải ngồi lại với nhau, cùng thỏa thuận và hòa giải. Nhưng để ngồi lại không đơn giản, bởi tư cách cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng đã bị tước bỏ. Nhưng để tranh chấp căng thẳng, kéo dài và cần sự can thiệp của tòa án thì các bên đều thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín mỗi bên.

Để kết thúc ổn thỏa, nhứng ý kiến cho rằng quyền cổ đông sáng lập của Công ty Hạ tầng cần được trả lại và thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng như đề nghị ban đầu của công ty này (khi chưa xẩy ra tranh chấp); sự việc được trả về nguyên trạng.