08:55 22/01/2021

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam: Ba câu hỏi và bốn hành động

an an

Covid-19 chỉ là sự đứt đoạn trong tăng trưởng hay đã và đang bào mòn động lực tăng trưởng của Việt Nam?

Covid-19 chỉ là sự đứt đoạn trong tăng trưởng hay đã và đang bào mòn động lực tăng trưởng của Việt Nam? Đâu là những động lực chính cho kinh tế Việt Nam? Chính phủ và doanh nghiệp cần làm gì để bứt phá trong thời gian tới?

Đây là 3 câu hỏi, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cần phải được làm rõ để có những định hướng chính sách đúng đắn cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Bởi theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô mà còn với cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130.000 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (tháng 4 và tháng 9/2020) đều cho thấy có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực.

NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG  

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn vào triển vọng của nền kinh tế trong năm 2021, xu hướng tích cực và tiêu cực đan xen. Tích cực là khả năng kiểm soát dịch bệnh và giữ ổn định kinh tế vĩ mô; sự phục hồi tăng trưởng của thị trường đối tác; và đặc biệt là sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài... vẫn sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2025 trở nên khó khăn hơn do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường ngay cả khi vaccine được cung cấp; cú huých từ dịch chuyển chuỗi giá trị và dòng FDI vào Việt Nam có thể không như kỳ vọng; và đặc biệt là khả năng chống chịu của khu vực doanh nghiệp bị bào mòn...

Trên cơ sở phân tích những yếu tố ảnh hưởng, NCIF vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. 

Ở kịch bản cơ sở, với giả định tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần được khống chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo có thể đạt khoảng 6,17%, CPI bình quân so với cùng kỳ khoảng 3,8%. Và ở kịch bản khả quan, NICF cho rằng nếu tốc độ phục hồi của thế giới nhanh hơn dự kiến, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI bình quân so với cùng kỳ tăng khoảng 4,2%.

Về trung hạn, NICF cho rằng dù ở kịch bản nào, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ quay trở lại quỹ đạo cũ, đạt mức tăng trưởng cao trở lại nhờ sự hồi phục của các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như sự hồi phục của khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tại các nhóm ngành bán buôn, bán lẻ, tiêu dùng nội địa; sự gia tăng đầu tư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài; tăng đơn hàng xuất khẩu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; niềm tin của người dân và doanh nghiệp; và đặc biệt là những nỗ lực của bộ máy mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo đó, NICF dự báo, ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP trung bình sẽ đạt mức 6,3% và ở kịch bản lạc quan là 6,8%.

Như vậy, kết quả dự báo tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 theo phương án dự báo mới nhất (tháng 12/2019) cập nhật tác động của đại dịch Covid-19 và sự thay đổi của bối cảnh trong nước và quốc tế, đã giảm đáng kể so với các dự báo trước Covid-19 của NCIF. Cụ thể, GDP phương án điều chỉnh giảm khoảng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước đây, trong đó tăng trưởng giảm thấp hơn chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

4 HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHỤC HỒI MẠNH MẼ 

Dù tăng trưởng ở kịch bản nào, NCIF cho rằng, trong năm 2021, mục tiêu hàng đầu cần hướng tới là tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh. "Bởi đây là điều kiện tiên quyết mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Trong bối cảnh đại địch còn có thể diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, việc kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo vệ và hỗ trợ nền kinh tế cần phải được ưu tiên", ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Tiếp tục thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư công. Trong ngắn hạn, việc phục hồi của khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn, tiếp tục thúc đẩy đầu tư công là giải pháp phù hợp, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tập trung cho các dự án lớn, dự án ưu tiên có khả năng lan tỏa lớn và các dự án "đầu tư không hối tiếc" như dự án hạ tầng giao thông quan trọng, dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên.

Tận dụng các cơ hội thị trường, đặc biệt là cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay khi đại dịch được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Hoa Kỳ và EU (những thị trường chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Đặc biệt, lĩnh vực du lịch cần tranh thủ thời điểm để nâng cao năng lực cạnh tranh sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu cần được đẩy mạnh, tránh trường hợp tăng trưởng theo chiều rộng như quán tính trước đó.

Để phòng chống những ảnh hưởng từ ngoại lực, chuyên gia của NCIF cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam sẽ chịu áp lực nhất định khi các quốc gia trên thế giới chủ động nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp. "Độ trễ của chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ đẩy giá mặt hàng nguyên nhiên liệu tăng trong năm 2021. Do đó, đây là điểm cần lưu ý trong phối hợp chính sách giữa các cơ quan quản lý để giữ ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng", ông Đặng Đức Anh lưu ý.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia của NCIF, giai đoạn 2021-2025 sẽ bất định hơn do tác động của dịch bệnh cũng như phản ứng chính sách của các quốc gia với Covid-19. Điều này sẽ tạo ra bất ổn mang tính chu kỳ khiến gia tăng bảo hộ thương mại song lại đẩy mạnh dòng chảy đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đề xuất, Việt Nam cần tập trung vào 4 hành động chính "Để có thể phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 và không để lại ai phía sau". Cụ thể, đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất (và thu nhập); hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế (sản xuất và tiêu dùng) theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng; phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. 

Cuối cùng, đại diện UNDP đề xuất, Việt Nam nên tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị 3 AAA (Dự đoán, Thích ứng và Nhanh nhạy), tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của người dân, do người dân và các tổ chức ở Việt Nam.