18:36 08/05/2018

Trung Quốc đang bám đuổi Mỹ về ảnh hưởng ở châu Á

Bình Minh

Vai trò của Trung Quốc ở châu Á trở nên ngày càng lớn, trong khi ảnh hưởng của Mỹ có chiều hướng suy giảm

Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc.

Cán cân quyền lực địa chính trị ở khu vực châu Á có thể sẽ trải qua sự thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ tới, với vai trò của Trung Quốc trở nên ngày càng lớn, trong khi ảnh hưởng của Mỹ có chiều hướng suy giảm - viện nghiên cứu Lowy Institute có trụ sở ở Sydney, Australia, nhận định trong một báo cáo ra ngày 8/5.

Theo tờ Nikkei Investment Review, bảng xếp hạng quyền lực tại khu vực châu Á mang tên Asia Power Power Index 2018 do Lowy thực hiện cho thấy Mỹ vẫn là siêu cường có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực châu Á, nhưng Trung Quốc - siêu cường mới nổi - đang bám đuổi sát Mỹ.

Trong xếp hạng lần đầu này, Mỹ xếp vị trí số 1 với 85 điểm, dẫn trước gần 10 điểm so với Trung Quốc. Ở vị trí thứ hai, Trung Quốc đạt 75,5 điểm. Hai nước này giữ khoảng cách lớn với Nhật Bản, quốc gia ở vị trí thứ ba với 42,1 điểm. Vị trí thứ tư thuộc về Ấn Độ, với 41,5 điểm.

Mỹ và Trung Quốc được xếp vào nhóm "siêu cường"; Nhật Bản và Ấn Độ nằm trong nhóm "cường quốc lớn"; trong khi các nước ở nhóm tiếp theo được gọi là nhóm "cường quốc tầm trung" bao gồm Nga, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Indonesia.

Trung Quốc đang bám đuổi Mỹ về ảnh hưởng ở châu Á - Ảnh 1.

Xếp hạng các nước theo ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Nguồn: Lowy Institute/Nikkei.

Theo ông Herve Lemahieu, Giám đốc dự án Asia Power Index, sức mạnh của Mỹ nằm ở khả năng thiết lập các liên minh ở châu Á. Tuy nhiên, Mỹ có vẻ như đang từ bỏ lợi thế này, bởi Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết", chẳng hạn ông Trump có thể đi đến quyết định rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

"Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến sự tan rã của mạng lưới liên minh của Mỹ ở châu Á, không chỉ ảnh hưởng đến sức mạnh của Mỹ mà còn cả những nước đồng minh thân thiết của Washington" như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Đài Loan - ông Lemahieu nhận định.

Chỉ số của Lowy tính "sức mạnh quốc gia" của 25 nước và vùng lãnh thổ dựa trên 114 tiêu chí, từ tổng sản phẩm trong nước (GDP), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số vũ khí, số cuộc tập trận quân sự chung, các thỏa thuận tự do thương mại, số sinh viên ngoại quốc... Dự kiến, xếp hạng sẽ được Lowy cập nhật hàng năm.

Trong số các tiêu chí đánh giá, triển vọng của một quốc gia được xem là có ảnh hưởng không nhỏ đến sức mạnh của quốc gia đó ở thời điểm hiện tại.

"Nếu như mọi người xem Mỹ là một cường quốc đang đi xuống hay Nhật Bản là một cường quốc đang đi xuống, thì họ lại nhận thấy Trung Quốc trở nên mạnh hơn", ông Lemahieu nói.

Phân tích của Lowy cho rằng đến năm 2025, châu Á sẽ chiếm 2/3 dân số thế giới, so với mức 1/10 của châu Âu, và châu Á sẽ trở thành lực lượng thống trị của kinh tế toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc chính là trung tâm trong sự nổi lên của châu Á.