07:15 17/09/2018

Trung Quốc tính từ chối đàm phán nếu Mỹ quyết áp thuế 200 tỷ USD

Bình Minh

“Trung Quốc sẽ không đàm phán trong tình trạng bị gí súng vào đầu”, một quan chức Trung Quốc nói

Những container hàng hóa tại một bến cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 10/7/2018 - Ảnh: Reuters.
Những container hàng hóa tại một bến cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 10/7/2018 - Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể có những bước leo thang mới trong tuần này, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ thực thi kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang tính đến những biện pháp trả đũa mới thông qua nhằm vào các công ty Mỹ - tờ Wall Street Journal cho hay.

Tờ báo dẫn nguồn thạo tin nói rằng, vào cuối tuần vừa rồi, Chính phủ Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch cử một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại sang Washington trong tuần này để chuẩn bị cho chuyến đi đàm phán vào tuần tới của Phó thủ tướng Lưu Hạc. Theo dự kiến, khi đến Mỹ đàm phán, ông Lưu Hạc sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Steven Mnuchin, và có thể gặp ông Trump.

Tuy nhiên, nguồn tin là quan chức cấp cao Trung Quốc nói nếu ông Trump nhất quyết triển khai kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thì kế hoạch đàm phán có thể đổ vỡ.

Vào cuối tuần vừa rồi, nguồn thạo tin từ Mỹ tiết lộ với Wall Street Journal rằng ông Trump dự định triển khai kế hoạch đánh thuế nói trên trong tuần này.

"Trung Quốc sẽ không đàm phán trong tình trạng bị gí súng vào đầu", một quan chức cấp cao làm nhiệm vụ tư vấn chính sách đối ngoại cho Chính phủ Trung Quốc nói.

Hiện Mỹ đã áp thuế quan bổ sung lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm. Kế hoạch 200 tỷ USD nếu được thực thi sẽ nâng tổng lượng hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế lên 250 tỷ USD, chiếm một nửa trong số khoảng 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ hàng năm.

Chính quyền ông Trump hiện đang áp dụng hai cách tiếp cận song song với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Vừa áp thuế và dọa áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, vừa sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán cấp cao.

Theo giới thạo tin, chiến lược này phản ánh mong muốn cá nhân của ông Trump là chứng tỏ rằng Mỹ ở thế "cửa trên" so với Trung Quốc trong đàm phán thương mại, và nếu thuế quan và ngoại giao có sự xung đột, ông sẽ chọn thuế quan làm giải pháp.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ có vẻ như đang cố gắng cân bằng giữa một bên là mong muốn trên của ông Trump với một bên là xoa dịu những lo ngại của người tiêu dùng Mỹ vốn phụ thuộc vào nguồn hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Mối lo này trở thành một vấn đề không hề nhỏ đối với các ứng cử viên nghị sỹ của Đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11 tới.

Về phần mình, Trung Quốc cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ nhượng bộ Mỹ. Nguồn tin là quan chức Trung Quốc nói rằng một số quan chức nước này đang đề xuất trả đũa bằng cách hạn chế việc các công ty Trung Quốc bán vật liệu, thiết bị và các phụ tùng quan trọng cho các công ty Mỹ. Hạn chế này thậm chí có thể áp dụng đối với đối với chiếc điện thoại iPhone của hãng công nghệ Mỹ Apple.

Nếu diễn ra, vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới sẽ là vòng đàm phán thứ năm kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra. Đây là vòng đàm phán được đề xuất bởi Bộ trưởng Mnuchin và có thể bắt đầu vào khoảng ngày 20/9, theo hãng tin Reuters.

Tuần trước, Trung Quốc đã hoan nghênh lời mời đàm phán này của Mỹ, nhưng với những diễn biến vào cuối tuần, không loại trừ khả năng vòng đàm phán sẽ rơi vào đổ vỡ trước khi diễn ra.