22:01 13/06/2019

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nên hay không nên "ra ở riêng"?

Nguyễn Lê

Có Đại biểu cho rằng Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ nhưng vị khác nói vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính nđể đảm bảo ổn định

Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng Uỷ ban chứng khoán nhà nước  thuộc Chính phủ là hợp lý
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng Uỷ ban chứng khoán nhà nước thuộc Chính phủ là hợp lý

Chiều 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và câu hỏi có nên xác lập vị trí mới cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hay không vẫn không dễ trả lời.

VnEconomy giới thiệu một số ý kiến với quan điểm đa chiều về vấn đề này.

Thị trường chứng khoán đã đủ lớn để ra riêng

(Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Bến Tre)

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tôi tán thành với ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ theo những phân tích hết sức tích cực tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

 Tôi xin phân tích thêm, một là theo tờ trình của Chính phủ, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán các nước và khu vực đã tạo khoảng cách đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự cần thiết sửa Luật Chứng khoán nhằm tiệm cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế khi hiện nay có đến 121/128 quốc gia thành viên IOSCO có vị trí độc lập.

Hai là sau hơn 10 năm triển khai luật thì tăng cả về số công ty niêm yết và số vốn huy động, cho thấy thị trường chứng khoán đã ổn định, quy mô thị trường chứng khoán đã đủ lớn để ra riêng. Trong tương lai, khi hệ thống pháp luật và chứng khoán hoàn chỉnh và đầy đủ hơn thì quy mô vốn còn lớn hơn nữa. 

Do đó, đã đến lúc tách chức năng quản lý nhà nước về tài chính ra khỏi các tổ chức dịch vụ, tổ chức trung gian tài chính, để đạt mục tiêu sứ mệnh của thị trường chứng khoán là kênh quyết định huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, không chỉ dừng lại ở mức 71,6% GDP như hiện nay.

Nên coi đây là trường hợp cá biệt

(Đại biểu Trần Văn Tiến - Vĩnh Phúc)

Luật Chứng khoán ban hành năm 2006, khi đó các công ty tham gia chào bán chứng khoán với số lượng nhỏ nên Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính là hợp lý. Đến nay, các công ty tham gia chào bán chứng khoán số lượng lớn với 1.553 công ty và ngày càng tăng về số lượng.

Trong tờ trình của Chính phủ đã nêu những khó khăn, hạn chế, bất cập. Để tháo gỡ những khó khăn đó thì việc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Chính phủ sẽ khắc phục được cơ bản những hạn chế, bất cập hiện nay, giảm bớt trung gian trong xử lý tình huống, đáp ứng tính chủ động, kịp thời, đồng thời giúp cho việc quản lý, thống nhất ban hành quy chế, cấp và thu hồi giấy phép.

Theo tôi, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nên thuộc Chính phủ là hợp lý, và coi đây là trường hợp cá biệt thực sự cần thiết, do yêu cầu thực tiễn cần xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Độc lập để giảm bớt khâu trung gian

(Đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh)

Về mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán nhà nước tôi thống nhất với ý kiến 1 là Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. Đồng thời nội dung này cũng phù hợp với quy định của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ. 

Ngoài ra, tôi đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh quy định tại khoản 2 điều 9 dự thảo luật nội dung là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ do Chính phủ quy định thay vì dự thảo là do Thủ tướng Chính phủ quy định, trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Chứng khoán hiện hành

Lớn nhưng chưa mạnh

(Đại biểu Trần Quang Chiểu - Nam Định)

Từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển về Bộ Tài chính thì thị trường chứng khoán có hành lang pháp lý ngày một hoàn chỉnh, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày được tăng cường, quy mô thị trường tăng mạnh. Chứng khoán đã trở thành thị trường quan trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Kết quả này không thể phủ nhận vai trò của Bộ Tài chính đối với thị trường chứng khoán hơn 15 năm qua.

Tôi cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở đâu thì phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ là gì, vai trò của Ủy ban này đối với việc quản lý kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ ra sao, không thể cho rằng thị trường chứng khoán quy mô nhỏ thì giao cho Bộ Tài chính quản lý, thị trường lớn thì giao Chính phủ, cách tổ chức bộ máy như vậy tôi nghe không ổn.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán hiện nay tuy tăng nhanh nhưng chỉ chiếm 14% nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Khi nào có thị trường tài chính hiện đại chiếm từ 60 - 70% chúng ta hãy nói là nó lớn. Việt Nam chúng ta có câu thành ngữ "lớn nhưng chưa mạnh".

Cần trao cho Uỷ ban Chứng khoán thẩm quyền điều tra

(Đại biểu Trần Văn Lâm - Bắc Giang)

Tôi đồng tình với việc phải tăng thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước để đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường với quy mô ngày càng lớn và tính chất ngày càng phức tạp như hiện nay.

Đặc biệt, theo tôi cần phải trao cho Ủy ban Chứng khoản đủ quyền năng để ứng phó, ngăn chặn khủng hoảng, ngăn ngừa rút vốn ồ ạt, sụp đổ thị trường khi có những biến động kinh tế bất thường xảy ra.

Cũng cần trao cho Ủy ban Chứng khoán thẩm quyền điều tra, giống như thẩm quyền điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh. Có vậy, Ủy ban mới có năng lực phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp hiện nay, để làm trong sạch thị trường, đồng thời làm tăng uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc tăng thẩm quyền không có nghĩa là Ủy ban Chứng khoán phải độc lập khỏi Bộ Tài chính để trở thành cơ quan trực thuộc Chính phủ. Với tổ chức bộ máy hiện nay tôi thấy hoàn toàn có thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ nếu Ủy ban Chứng khoán nhà nước được pháp luật trao thêm thẩm quyền và tăng khả năng ứng phó độc lập trong quản lý, điều tiết thị trường chứng khoán.