10:30 05/03/2021

Vàng thế giới gãy mốc 1.700 USD/oz, rẻ hơn trong nước gần 9 triệu đồng/lượng

Diệp Vũ

Lợi suất tăng là nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới "đổ đèo" thời gian gần đây

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Tiếp tục xu hướng giảm mạnh dưới sức ép từ đà tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, giá vàng thế giới lao dốc xuống dưới mốc tâm lý quan trọng 1.700 USD/oz. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (5/3) giảm cầm chừng, khiến chênh lệch với giá vàng thế giới lên gần 9 triệu đồng/lượng.

Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,45 triệu đồng/lượng và 55,85 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng hiện giảm 50.000 đồng/lượng tại DOJI và giảm 20.000 đồng/lượng tại SJC.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 8,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh khoảng 8,2 triệu đồng/lượng vào sáng qua và mức chênh dưới 8 triệu đồng/lượng cách đây hai ngày. Điều này cho thấy giá vàng trong nước liên tục không phản ánh đầy đủ mức giảm của giá vàng thế giới.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác giảm khoảng 400.000-500.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 52,3 triệu đồng/lượng và 53,1 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 52,68 triệu đồng/lượng và 53,33 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.694,8 USD/oz, giảm 3,1 USD/oz so với đóng cửa đêm qua tại New York.

Mức giá này tương đương khoảng 47,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Năm, giá vàng sụt 13,8 USD/oz, tương đương giảm gần 0,8%, còn 1.697,9 USD/oz.

Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất trong 10 tháng, khi đồng thời chịu áp lực từ cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và tỷ giá đồng USD đi lên. Lợi suất tăng là nguyên nhân chính khiến giá vàng "đổ đèo" thời gian gần đây. Trong 7 phiên giao dịch gần nhất, giá kim loại quý này có duy nhất 1 phiên tăng.

Trong lúc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại một diễn đàn ngày 4/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức 1,54%, từ mức 1,47% vào hôm thứ Tư.

Trong bài phát biểu này, ông Powell duy trì lãi suất gần 0 và chương trình mua trái phiếu cho tới khi đạt mục tiêu việc làm đầy đủ và lạm phát 2% bền vững. Tuy nhiên, giới đầu tư thất vọng khi ông Powell không phát tín hiệu nào cho thấy Fed sẽ cân nhắc can thiệp để kiềm chế đà tăng của lợi suất trái phiếu.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất 3 tháng so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, với chỉ số Dollar Index vượt 91,6 điểm trong sáng nay, từ mức hơn 91 điểm vào sáng hôm qua.

Giá vàng thế giới gãy mốc 1.700 USD/oz, rẻ hơn trong nước gần 9 triệu đồng/lượng - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

Một số nhà phân tích cho rằng việc để mất mốc tâm lý 1.700 USD/oz có thể khiến giá vàng giảm sâu hơn, trước mắt có thể là mốc 1.660 USD/oz. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã giảm gần 13%, sau khi tăng 25% trong năm ngoái.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.810 đồng (mua vào) và 23.860 đồng (bán ra), tăng 20 đồng so với sáng qua.

Tại Vietcombank, USD đang được niêm yết giá ở mức 22.930 đồng và 23.110 đồng, không thay đổi so với hôm qua.