11:05 02/03/2021

Vàng thế giới “tuột dốc không phanh”, rẻ hơn trong nước 8,4 triệu đồng/lượng

Diệp Vũ

Giá vàng thế giới hiện tương đương 47,6 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng miếng SJC bán lẻ là 56 triệu đồng/lượng

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới liên tục "đổ đèo" trong phiên đêm qua và sáng nay (2/3), về vùng đáy của 8 tháng, nhưng giá vàng miếng trong nước vẫn cầm cự mốc 56 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới lên đến 8,4 triệu đồng/lượng và giá USD tiếp tục đi lên trên ngưỡng 23.900 đồng.

Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,65 triệu đồng/lượng và 56,05 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng hiện giảm 250.000 đồng/lượng tại DOJI và giảm 300.000 đồng/lượng tại SJC.

Mức giảm này tiếp tục không phản ánh hết độ giảm của giá vàng thế giới, dẫn tới chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới kéo giãn rộng. Cụ thể, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank hiện ở mức khoảng 47,6 triệu đồng/lượng. Mức giá này thấp hơn khoảng 8,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán lẻ, từ chỗ chênh 7,5 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác giảm từ 300.000-500.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 52,7 triệu đồng/lượng và 53,5 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 53,18 triệu đồng/lượng và 53,83 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.710,3 USD/oz, giảm 15,5 USD/oz, tương đương giảm 0,9%, so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Trong phiên Mỹ ngày thứ Hai, giá vàng mất 10,8 USD/oz, tương đương trượt hơn 0,6%, còn 1.725,8 USD/oz.

Giá vàng thế giới đang bước sang ngày giảm thứ 6 liên tiếp và đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 6/2020, theo dữ liệu từ FactSet. Giá kim loại quý này đã giảm 2,7%trong tuần trước và giảm 6,6% trong tháng 2 - tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.

Tuần trước, giá vàng lao dốc do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Phiên đầu tuần, lợi suất trái phiếu đã "giảm nhiệt", nhưng giá vàng vẫn chìm trong sắc đỏ.

"Việc thị trường trái phiếu ngừng bán tháo ngày hôm nay không làm thay đổi môi trường bất lợi đối với giá vàng", nhà phân tích Adrian Ash thuộc BullionVault nói với trang MarketWatch. Theo ông Ash, thị trường đang tin tưởng vào một sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, thậm chí trước khi gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD được triển khai.

"Giá vàng tiếp tục giảm để phản ánh kỳ vọng này, đảo ngược xu thế tăng mạnh của năm ngoái", ông Ash nói.

Vàng cũng đang chịu áp lực giảm giá từ đồng USD mạnh lên. Sáng nay, chỉ số Dollar Index đã tăng lên ngưỡng 91,2 điểm, từ mức 90,8 điểm vào sáng hôm qua.

Một số dự báo gần đây cho rằng với sức ép giảm lớn như hiện nay, giá vàng có thể trượt dưới 1.700 USD/oz, thậm chí giảm về vùng 1.650-1.660 USD/oz. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng nếu lạm phát tăng trở lại, thì nhu cầu nắm giữ vàng để chống lạm phát sẽ giúp giá kim loại quý này hồi phục.

Trao đổi với hãng tin Bloomberg, nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX nói vàng "đang phản ứng với sự kết hợp giữa niềm tin gia tăng và lợi suất trái phiếu đi lên, thay vì nỗi lo lạm phát" dẫn tới thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo bà O’Connell, trong trung hạn, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi lượng thanh khoản dồi dào trong hệ thống tài chính.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.900 đồng (mua vào) và 23.950 đồng (bán ra), tăng 10 đồng so với sáng qua.

Tại Vietcombank, USD đang được niêm yết giá ở mức 22.940 đồng và 23.120 đồng, cũng tăng 10 đồng so với hôm qua.