Vị “cứu tinh” của Nissan bắt tay giải cứu Mitsubishi

An Huy
Gần hai thập kỷ sau khi đưa Nissan thoát khỏi nguy cơ, Carlos Ghosn lại bắt tay vào cứu Mitsubishi
Ông Carlos Ghosn, Chủ tịch Mitsubishi - Ảnh: AP/Business Insider.<br>
Ông Carlos Ghosn, Chủ tịch Mitsubishi - Ảnh: AP/Business Insider.<br>
Gần hai thập kỷ sau khi đưa Nissan thoát khỏi nguy cơ suy sụp tài chính, Carlos Ghosn lại bắt tay vào nhiệm vụ cứu một hãng xe Nhật Bản khác. Đối tượng của cuộc “giải cứu” lần này là Mitsubishi.

“Tôi sẽ dành một chút thời gian của mình để đưa Mitsubishi trở lại với sự phát triển bình thường và hỗ trợ họ”, ông Ghosn nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang Business Insider. Phát biểu này của ông phần nào phản ánh tình cảnh bi đát của Mitsubishi hiện nay.

Ở thời điểm năm 1999, trước khi Ghosn trở thành Tổng giám đốc Nissan, hãng này đã có 7 năm thua lỗ trong vòng 8 năm trước đó. Mitsubishi của năm 2017 cũng “bết bát” không kém.

Năm ngoái, hãng xe có trụ sở ở Tokyo này báo lỗ 1,4 tỷ USD cùng doanh số suy giảm ở tốc độ hai con số, giữa lúc các thị trường ôtô ở Trung Quốc và Bắc Mỹ đồng loạt đạt doanh số kỷ lục. Tại Mỹ, chỉ còn một vài mẫu xe của Mitsubishi bám trụ được và thị phần của hãng giảm dưới 1%.

Ngoài ra, Mitsubishi còn chìm trong một vụ bê bối sau khi thú nhận với cơ quan giám sát về việc hãng đã làm giả dữ liệu về khả năng tiết kiệm nhiên liệu về một số mẫu xe do hãng sản xuất.

Vào cuối tháng trước, Ghosn tuyên bố sẽ rời cương vị Tổng giám đốc Nissan từ ngày 1/4. Hiện ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của cả Nissan và Renault, đồng thời là Chủ tịch Mitsubishi Motors, và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của liên minh Renault-Nissan.

Mục tiêu của việc Ghosn thôi nắm giữ ghế Tổng giám đốc Nissan là tập trung vào “cứu” Mitsubishi.

Tháng 10/2016, Nissan mua lại 34% cổ phần Mitsubishi với giá 2,3 tỷ USD. Động thái này cho phép Mitsubishi trở thành một phần của liên minh Renault-Nissan.

“Khi cơ hội đến, do một số vấn đề không may liên quan đến Mitsubishi Motors, chúng tôi tin rằng việc đưa họ vào liên minh là phù hợp. Đây hoàn toàn không phải là chuyện bất ngờ, bởi chúng tôi đã từng làm việc với Mitsubishi rồi. Chúng tôi nhận lời rất nhanh vì biết rằng sẽ đồng tâm hiệp lực được với họ”, Ghosn nói.

Trong ngành công nghiệp ôtô thế giới, hiếm có vị doanh nhân nào được đánh giá cao về khả năng cắt giảm chi phí như Ghosn. Trong những ngày đầu ở Nissan, Ghosn đã đóng cửa 5 nhà máy, sa thải hàng nghìn công nhân, giảm chi phí mua phụ tùng 20% thông qua làm tinh gọn quy trình mua hàng, và từ chối sản xuất những mẫu xe mới ít có khả năng mang lại lợi nhuận”.

Với những biện pháp mạnh tay như vậy, vị doanh nhân người Pháp gốc Brazil được đặt biệt danh “Le Cost Killer” (tạm dịch: “Sát thủ chi phí”).

“Thuốc đắng dã tật”, những biện pháp này đã đưa Nissan thoát khỏi số nợ 17 tỷ USD và trở lại với sự tăng trưởng lành mạnh.

Và Mitsubishi đang chờ một cuộc giải cứu tương tự từ Ghosn. Giờ là lúc Ghosn vạch ra kế hoạch nhằm xoay chuyển tình thế của hãng xe đình đám một thời nhưng đã rơi vào trì trệ suốt một thập kỷ qua.

“Một trong những vấn đề lớn đối với Mitsubishi là công ty này không tăng trưởng. Doanh số của hãng giữ ở mức khoảng 1 triệu xe mỗi năm trong suốt nhiều năm rồi”, Ghosn nói.

Một trong những lý do khiến doanh số của Mitsubishi trì trệ là hãng không có nguồn lực để phát triển dòng sản phẩm. Nằm trong liên minh Nissan-Renault, Mitsubishi giờ đây được tiếp cận với một nguồn khổng lồ các loại khung gầm, động cơ và công nghệ để có thể dựa vào đó phát triển các mẫu xe thế hệ tiếp theo của hãng.

Liên minh có thể giúp quá trình cải tổ dòng sản phẩm của Mitsubishi trở nên dễ dàng hơn bởi sẽ giúp tiết giảm chi phí và rút ngắn thời gian, Ghosn nói. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mitsubishi sẽ lấp đầy được những khoảng trống lớn trong danh mục dòng xe, ít nhất là trong tương lai gần, bằng cách sử dụng những mẫu xe hiện tại của Nissan và Renault làm nền tảng.

Tuy nhiên, Ghosn cũng thừa nhận rằng phần lớn công việc vực dậy Mitsubishi cần phải được làm bên trong Mitsubishi.

“Ở thời điểm hiện tại, bằng cách tiếp cận với công nghệ của liên minh, sử dụng khung gầm của liên minh, và tiếp cận với những thông lệ tốt nhất của liên minh, Mitsubishi có thể có được không chỉ nhiều mẫu xe hơn, và còn cạnh tranh tốt hơn mà vẫn giữ được bản sắc, thương hiệu và thiết kế riêng biệt của Mitsubishi”, Ghosn nói.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.