Việt Nam đề nghị Nhật giúp xây dựng Luật Phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất Nhật Bản hỗ trợ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật để Việt Nam xây dựng Luật Phát triển công nghiệp hỗ trợ
Trong khuôn khổ chuyến công tác đi Tokyo, Nhật Bản tham dự Hội nghị Bộ trưởng RCEP, ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi hội đàm song với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko.
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Hiroshige Seko đánh giá tần suất gặp nhau khoảng 10 lần trong năm 2018 giữa hai Bộ trưởng chứng tỏ thiện chí và tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng trở nên sâu sắc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ METI, đặc biệt trong việc đôn đốc các đơn vị phía Nhật Bản triển khai Ý định thư (LOI) đã ký giữa hai Bộ trưởng vào tháng 9/2017. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nêu một số vấn đề trong nội dung hợp tác và đề xuất cụ thể.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất Nhật Bản hỗ trợ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật để Việt Nam xây dựng Luật Phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu kết nối sản xuất và tiêu dùng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam để hình thành "bản đồ" ngành công nghiệp hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, phía Việt Nam nhấn mạnh sự hỗ trợ trong việc đào tạo tư vấn, nâng cao nguồn lực theo mô hình KOSEN của Nhật. Xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) trực thuộc Bộ Công Thương theo mô hình Trung tâm máy móc dùng chung của Nhật Bản.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam gói tín dụng riêng để phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam với lãi suất phù hợp theo hình thức tín dụng 2 bước, tập trung vào 6 ngành ưu tiên bao gồm dệt may da giầy, điện tử, dản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ METI đối với Bộ Công Thương nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong thời gian qua, đặc biệt về đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật cũng như xây dựng khung chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngành năng lượng Việt Nam phát triển nhanh chóng cũng như nhu cầu hợp tác đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của các đối tác trong đó có Nhật Bản, Bộ trưởng đề nghị Bộ METI xem xét hỗ trợ thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho một số ngành sử dụng nhiều năng lượng và tại các địa phương.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực dài hạn về quản lý năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn nghiên cứu và đưa ra giải pháp về chính sách sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiểu quả ở các lĩnh vực trọng điểm.
Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, đây là sáng kiến của Bộ METI, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất hai bên sẽ tiếp tục trao đổi cụ thể tại Kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam sắp tới.
Về đề xuất của Việt Nam áp dụng mô hình KOSEN vào hệ thống các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương, cơ quan quản lý chuyên ngành giáo dục đào tạo của Nhật làm việc với phía Việt Nam và METI sẽ theo dõi, phối hợp triển khai các nội dung liên quan.
Về các Trung tâm hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, Bộ METI cũng đề nghị giao cấp kỹ thuật có đề xuất cụ thể và sẽ thảo luận tại Kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp sắp tới.
Kết thúc buổi làm việc hai Bộ trưởng cam kết sẽ nỗ lực hết sức để các thỏa thuận, cam kết tiếp tục được triển khai hiệu quả và các đề xuất hợp tác mới tiếp tục được đưa ra trong tương lai vì sự phát triển kinh tế của mỗi nước và khu vực.