15:50 07/01/2020

VietinBank bất ngờ báo lãi 11,5 nghìn tỷ đồng

Nguyễn Hoài

Lợi nhuận riêng lẻ đạt tới 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 83% so với kế hoạch và so với năm 2018

Ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc VietinBank: Năm 2020, ngân hàng đối mặt với thách thức lớn về tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chuẩn mực an toàn và mở rộng tín dụng.
Ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc VietinBank: Năm 2020, ngân hàng đối mặt với thách thức lớn về tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chuẩn mực an toàn và mở rộng tín dụng.

Chiều 7/1, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) bất ngờ công bố lợi nhuận riêng lẻ đạt tới 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 83% so với kế hoạch và so với năm 2018.

Tại buổi tổng kết hoạt động kinh doanh 2019 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020, ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, năm 2019, tăng trưởng tín dụng 7,2% so với cuối 2018; thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 43% so với năm 2018, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 120%, tăng mạnh so với 93% của năm 2018.

Đáng chú ý, doanh số kinh doanh ngoại hối đứng đầu trên thị trường, cụ thể: so với với cuối 2018, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 120%, thu nhập từ kinh doanh chứng khoán tăng 70%, tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Năm 2019, VietinBank cũng là ngân hàng đẩy mạnh các kênh bán hàng số hoá, đi thẳng từ ngân hàng tới doanh nghiệp, đi đầu trong cung cấp các giải pháp ví, bao thanh toán, tài trợ chuỗi cung ứng, nâng cấp giải pháp ngân hàng số VietinBank iPay Mobile phiên bản 5.0.

Hoạt động thu hồi nợ, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực: luỹ kế năm 2019, tổng số nợ xấu, nợ VAMC được xử lý, thu hồi đạt hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7 nghìn tỷ so với kết quả xử lý nợ xấu năm 2018 và cao hơn kế hoạch đề ra tại phương án tái cơ cấu; nợ xấu giảm hơn 3 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu đạt 1,2% so với tổng dư nợ cho vay và trái phiếu.

Ngân hàng cũng nỗ lực tích tụ nguồn lực tài chính, trích lập dự phòng gần 14 nghìn tỷ đồng, nhờ đó, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 120% như nêu trên, làm lành mạnh hoá bảng cân đối tài sản.

Cũng theo ông Trần Minh Bình, VietinBank tiếp tục bám sát thực hiện đúng lộ trình Thông tư 41, Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh việc tăng vốn đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, ngân hàng cũng chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thoái bớt vốn ở các công ty con, duy trì quy mô trái phiếu thứ cấp mà ngân hàng đã đầu tư để tối ưu hoá danh mục tài sản có.

Trong năm 2019, VietinBank thoái vốn tại Ngân hàng Sài Gòn Công thương, thu về 305 tỷ đồng, tiếp tục cơ cấu lại danh mục đầu tư vốn tại các công ty con một cách hợp lý. Đặc biệt, năm 2019 cũng là năm thứ 3 ngân hàng phát hành thành công trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2 với quy mô trên 5.550 tỷ đồng, đáp ứng từng bước các vấn đề về vốn theo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước.  

Song song, ngân hàng triệt để tiết giảm chi phí, làm lành mạnh hoá bức tranh tài chính, thông qua giao khoán các chỉ tiêu chi phí gắn với kết quả kinh doanh.   

Tuy nhiên, chung tình cảnh như 4 ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn, VietinBank đang đối mặt với tình trạng tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chuẩn mực Basel II tại các thông tư 41. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới việc mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn tối thiểu mà còn dẫn đến khả năng khó ứng phó với các rủi ro tài chính bất khả kháng.

Năm 2020, ngân hàng đưa ra một số mục tiêu: Tổng tài sản tăng trưởng khoảng 6%-8%; tín dụng: tăng trưởng khoảng 8% - 10%; nguồn vốn huy động tăng trưởng theo nhu cầu của tăng trưởng tín dụng và sử dụng vốn, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng trên 10% so với 2019.