17:11 11/04/2019

Vinamilk lại chào mua cổ phần GTNfoods thấp hơn 24% giá thị trường

Bạch Huệ

Giá chào mua của Vinamilk thấp hơn 24% thị giá GTN trên sàn chốt phiên ngày 11/4

Mục tiêu của Vinamilk trong thương vụ này là Sữa Mộc Châu
Mục tiêu của Vinamilk trong thương vụ này là Sữa Mộc Châu

Sở Giao dịch Tp. HCM vừa cho biết, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) đã chính thức có văn bản chào mua công khai cổ phiếu GTNFoods (mã GTN).

Theo đó, Vinamilk chào mua 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTN. Mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị chào mua hơn 1.517 tỷ đồng. Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký bán của nhà đầu tư từ ngày 22/4 đến 22/5/2019. Sau thương vụ, Vinamilk có thể nâng sở hữu lên 125,5 triệu cổ phần tương ứng 49% vốn của GTN.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/4, cổ phiếu GTN đã tăng kịch trần lên 17.100 đồng, vốn hoá đạt 4.000 tỷ đồng. Như vậy, mức giá Vinamilk chào mua đang thấp hơn 24% thị giá trên sàn của GTN. Từ đầu năm 2019, giá cổ phiếu GTN liên tục tăng lên do những thông tin rò rỉ về thương vụ mua bán này.

Trước đó, Công ty Cổ phần GTNfoods đã có nghị quyết thống nhất là không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk.

Ngày 23/3, Hội đồng quản trị đã biểu quyết về nội dung này. Kết quả biểu quyết cho thấy, chỉ có 3 thành viên Hội đồng quản trị, tương ứng 50% đồng ý với đề xuất mua cổ phiếu GTN của Vinamilk.

3 thành viên Hội đồng quản trị - tương ứng 50% khác thì không đồng ý với đề xuất mua cổ phiếu trên, gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tạ Văn Quyền, ông Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Hồng Anh.

"Khi biểu quyết, mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết, Hội đồng quyết định theo đa số, trường hợp số phiếu biểu quyết ngang nhau thì bên có phiếu biểu quyết nhất trí, tán thành của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên được Chủ tịch Hội đồng quản trị uỷ nhiệm chủ toạ phiên họp là quyết định thông qua", GTNfoods dẫn Điều 5 của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị.

Do đó, Hội đồng quản trị công ty quyết định "không đồng ý với đề nghị chào mua công khai của Vinamilk".

Theo văn bản gửi lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị GTNfoods Tạ Văn Quyền nêu lý do Vinamilk là công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam và đang cạnh tranh trực tiếp với một trong mảng kinh doanh cốt lõi của GTNfoods là sản xuất, chế biết và phân phối sữa của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Với phương án chào mua công khai mà VNM đã đưa ra, mục tiêu sở hữu tại GTNfoods sau chào mua là 49% vốn điều lệ. Nếu việc chào mua thành công, VNM sẽ là một cổ đông lớn của GTNfoods. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị của GTfoods chỉ nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai chính thức của Vinamilk mà chưa nhận được thêm bất cứ thông tin trao đổi, phản hồi nào khác về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác từ Vinamilk để với vai trò cổ đông lớn, góp vào sự phát triển chung của công ty.

"Cá nhân tôi với tư cách là thành viên của Hội đồng quản trị GTNfoods không có đủ cơ sở đưa ra ý kiến đồng ý với phương án chào mua công khai", ông Quyền nói.

GTNfoods mới đây có công bố báo cáo tài chính năm 2018 sau kiểm toán. Theo đó, công ty đạt doanh số 3.014 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu về 104 tỷ đồng, giảm so với mức 151 tỷ của năm 2017. EPS khoảng 18 đồng, giảm so với mức 124 đồng năm 2017.

Tính đến cuối năm 2018, GTNfoods có tổng tài sản 4.728 tỷ đồng, nợ phải trả chỉ 965 tỷ đồng.

Từ một doanh nghiệp nhỏ GTNfoods đã lột xác với quá trình tăng vốn nhanh, gắn liền với các hoạt động M&A của doanh nghiệp. Hiện GTNfoods đang sở hữu 75% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu là 51%.

Ngoài ra, GTNfoods còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng công ty Chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (vang Đà Lạt). Khối bất động sản của GTNfoods cũng được đánh giá khá tiềm năng.