16:07 10/11/2020

Vụ phân bón giả Thuận Phong: "Đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm"

Lan Anh

Kể từ khi bị phát hiện vào năm 2015, vụ việc công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả vẫn đang được các cơ quan tố tụng điều tra, xử lý

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 10/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan tới vụ việc công ty Thuận Phong bị phát hiện sản xuất phân bón giả.

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết đây là một vụ việc mà trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan tư pháp thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Ngày 14/8/2019, Bộ Công an có văn bản số 465 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong. Trong đó, nội dung chính cho biết do các Bộ liên quan chưa có văn bản trả lời yêu cầu giám định nên việc xử lý phải chờ theo quy định của pháp luật. 

Sau đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định của  pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 

Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thực hiện đã nghiêm túc các ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, khẩn trương có văn bản gửi cơ quan cảnh sát điều tra về kết luận giám định các vấn đề có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan, theo đó, đã chỉ đạo các cơ quan đánh giá kết quả sản xuất của Thuận Phong, có phải là hàng giả hay không. Đây là quá trình chưa chuyển sang giai đoạn tố tụng mà xem xét hành chính, với trách nhiệm của mình. 

Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra. Sau đó, đã chuyển cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc yêu cầu giám định. 

Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản 3721 kèm theo kết quả giám định, Ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung, sau đó Bộ đã ban hành văn bản 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung. Trước đó, ngày 15/4/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã nhận được kết luận giám định của Bộ Công Thương. 

"Hiện vụ việc đang thuộc trách nhiệm xử lý của các cơ quan tố tụng. Việc còn lại, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với các cơ quan xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về quyết định của mình", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 26/10, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cũng đăng đàn giải trình trước đại biểu Quốc hội về vụ việc này.

Ông Trí cho biết đoàn liên ngành 389 Đồng Nai phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty Thuận Phong phát hiện có hành vi sang chiết phân bón dạng nước vào các chai thành phẩm có nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ. Xét thấy có hành vi vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định huỷ quyết định không khởi tố vụ án của công an Đồng Nai. 

Ông Trí khẳng định vụ việc này "không chìm xuồng" như các đại biểu lo lắng, mà cần có kết quả giám định và kết luận của các cơ quan chuyên môn để xác định Thuận Phong có vi phạm pháp luật hay không, và căn cứ vào đó để tiếp tục điều tra, xử lý.

Trước đó, vào tháng 4/2015, đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón của công ty Thuận Phong (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), bắt quả tang hành vi sang chiết, đóng chai phân bón mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ Mỹ.