15:28 28/06/2018

Xâm phạm sở hữu trí tuệ tràn lan: Người bị hại giơ cao đánh khẽ

Lê Hường

Nhiều doanh nghiệp và startup có xu hướng bỏ qua khi bị vi phạm sở hữu trí tuệ

Tình trạng sao chép hay nói nhẹ đi là "tham khảo" nguồn lực chất xám của đơn vị khác không còn xa lạ trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đến nỗi khi một ông chủ startup lên tiếng là bị xâm phạm, lập tức nhiều người phản hồi "chuyện thường thôi, đừng mất thời gian".

Những lời xin lỗi ở phút 89 của Tạ Thanh Long - người đồng sáng lập Fiin với Vaymuon mới đây cho thấy việc kêu gọi một cá nhân thừa nhận hành vi "tham khảo" nguồn lực chất xám của người khác trong lĩnh vực công nghệ là không hề dễ dàng. Thanh Long vốn là "người cũ" của Vaymuon và là đồng sáng lập của Fiin đã bị yêu cầu "gỡ bỏ các tham khảo từ Vaymuon" và phải đền bù 145 triệu đồng cho Vaymuon.

Nhận sai từ hai lỗi chính tả

Từ lúc tập đoàn NextTech - công ty "mẹ" của Vaymuon - lên tiếng tố cáo Fiin vi phạm đến khi hai bên ngồi lại với nhau và đi đến thoả thuận cuối cùng về vụ việc này là hơn 10 ngày. Trong quá trình đó, Fiin chưa từng thừa nhận việc tham khảo nguồn lực chất xám của Vaymuon và đến lúc vụ việc "ngã ngũ" thì lỗi này được quy cho riêng một cá nhân.

Trong văn bản gửi đến Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) ngày 13/6, ông Trần Việt Vĩnh – CEO của Fiin nêu rõ: "Trong sự việc này, cá nhân Thanh Long và các nhân sự nghỉ việc tại Vaymuon sang làm việc cho công ty cùng lĩnh vực với Vaymuon là vi phạm thoả thuận Thoả thuận bảo mật thông tin (NDA) & chống cạnh tranh (NCA) đã ký kết với NextTech. Vì vậy, Thanh Long sẽ công khai xin lỗi NextTech - Vaymuon và chấp nhận đền bù cá nhân cho NextTech theo thoả thuận đã thống nhất. Thanh Long sẽ thực hiện gỡ bỏ các tham khảo từ Vaymuon ngay lập tức trong thời gian sớm nhất".

Ông Nguyễn Hoà Bình- chủ tịch Tập đoàn NextTech - cho biết, thực tế sự việc đã bắt đầu từ trước đó đúng một tháng. Ngày 14/5/2018, sau khi nhận được thông tin về một startup có tên Finn sắp ra mắt một dịch vụ giống hệt VayMuon.vn có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp liên quan đến một nhóm nhân viên cũ của Vaymuon, công ty này đã liên lạc với lãnh đạo Fiin đề nghị giải thích và khắc phục nhưng không nhận được sự hợp tác thiện chí.

Vì vậy, ngày 2/6 NextTech đã đưa thông tin lên Internet. "Ban đầu, các lãnh đạo của Fiin ra sức phủ nhận các cáo buộc nên Công ty Cổ phần Vay Mượn đã thu thập hồ sơ khởi kiện ông Tạ Thanh Long và một số nhân viên cũ có liên quan và Công ty Finn ra toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm thoả thuận dân sự đã ký", ông Bình chia sẻ. 

"Mặc dù đã có các chứng cứ xác đáng nhưng phía vi phạm vẫn chưa thừa nhận. Mãi cho đến khi Vaymuon đưa ra bằng chứng về việc trong sản phẩm của Vaymuon có 2 lỗi chính tả và sản phẩm của Fiin cũng có đúng lỗi sai này thì Thanh Long mới thừa nhận có "tham khảo" sản phẩm của Fiin".

Chỉ dừng ở mức "lên tiếng"

Trong sự vụ kể trên, bên bị vi phạm là một tập đoàn công nghệ có bộ phận pháp chế hoạt động chuyên nghiệp và đã từng có kinh nghiệm xử lý một vụ việc "bị tham khảo" tương tự từ 8 năm trước song việc xử lý trường hợp này cũng không hề dễ dàng. Do đó, nhiều doanh nghiệp hoặc các startup có xu hướng bỏ qua khi bị vi phạm sở hữu trí tuệ là điều dễ hiểu.

Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) nhận xét:

"Tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, bao gồm cả các startup trong lĩnh vực này là hơi yếu. Thậm chí, nhiều người coi chuyện vi phạm, hay lấy nguồn lực chất xám của bên khác mà không xin phép là điều bình thường. Thực tế này sớm muộn cũng sẽ phải thay đổi và vụ việc giữa Fiin và Vaymuon là một tham khảo tốt để các startup bị vi phạm có thể đòi lại quyền lợi".

Dù kết thúc vụ việc nói trên không đạt kỳ vọng của nhiều người song cũng là một động thái đánh động về phong trào #Metoo về vi phạm sở hữu trí tuệ trong cộng đồng khởi nghiệp. 

Cùng thời điểm với lời tố cáo của Vaymuon, TopCV –một startup xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ tuyển dụng toàn diện dành cho ứng viên và doanh nghiệp - đã lên tiếng về việc cũng từng bị một doanh nghiệp copy tương tự về cả giao diện, hình ảnh, câu chữ và đến nay website đó đã dừng hoạt động. Song mới đây nhất, TopCV lại tiếp tục bị một đơn vị khác copy cả giao diện, hình ảnh, câu chữ, thậm chí nguyên mã nguồn.

"Như vậy, trong vòng 2 năm, TopCV đã 2 lần bị đơn vị khác vi phạm. Ở lần đầu tiên, chúng tôi liên hệ và yêu cầu họ gỡ bỏ nhưng kết quả là nhận được thái độ rất thách thức. Sau đó, với nhiều động thái lên án mạnh mẽ hơn của TopCV họ cũng điều chỉnh theo yêu cầu, nhưng sau đó họ cũng dừng hoạt động. Ở lần thứ hai này, chúng tôi đã gửi công văn sang đơn vị đó nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi", Trần Trung Hiếu, CEO của TopCV chia sẻ.

"Nếu họ vẫn không chịu điều chỉnh thì đúng là chúng tôi cũng khó. Bởi gì, việc kiện lên toà án đòi hỏi nhiều căn cứ pháp lý. TopCV đã đăng ký bảo hộ thương hiệu nhưng những nội dung như giao diện, hình ảnh, website, mẫu CV thì không được bảo hộ và sẽ khó làm hơn. Do đó, trước mắt chúng tôi dự định làm ở mức yêu cầu họ gỡ bỏ, đồng thời, có cảnh báo đến cộng đồng người dùng. Tình trạng vi phạm này cũng xảy ra khá thường xuyên trong cộng đồng startup nhưng không nhiều startup muốn lên tiếng vì rất mất thời gian và công sức trong khi startup rất hạn chế về nguồn lực".

Nửa tháng sau khi vụ việc um xùm giữa Vaymuon và Fiin, mọi chuyện dường như đã lắng xuống. Fiin trở thành một cái tên được biết đến rộng khắp, người dùng vẫn dành những lời khen tặng cho ứng dụng này như chưa từng biết đến những chuyện không hay chỉ vừa mới khép lại.