Xe sang trùng biển số, chủ xe biển số giả bị xử lý thế nào?

Khôi Nguyên
Tưởng chừng như là 1 vụ việc hy hữu khi hai xe khá giống nhau, có trùng biển kiểm soát nhưng thực tế ở Hà Nội đã không ít vụ việc tương tự xảy ra và đa phần đều liên quan đến xe sang. Hậu quả không chỉ gây bức xúc cho chính chủ mà còn khiến nhiều người “tự nhiên” bị phạt nguội không rõ lý do.
Bài đăng mới đây của một chủ xe "nhờ" cộng đồng mạng truy tìm xe đeo biển số giả giống mình. Ảnh: Chụp màn hình.
Bài đăng mới đây của một chủ xe "nhờ" cộng đồng mạng truy tìm xe đeo biển số giả giống mình. Ảnh: Chụp màn hình.

Các vụ xe sang lắp biển giả

Mới đây nhất, một người nhận là chủ xe Lexus RX350 ở Hà Nội cho biết mình bị phạt nguội oan bởi có một chiếc xe tương tự, mang cùng biển số. Người này sau đó đã đăng lên mạng xã hội "treo thưởng" 20 triệu đồng để truy tìm chiếc xe mang biển số trùng với xe của mình.

Chiếc xe "chính chủ" là loại Lexus RX350 màu trắng, BKS 30E-xxx.99 với khung biển số kiểu mới (thay đổi kích thước và font theo chuẩn từ giữa năm 2020), thuộc dòng xe xuất Mỹ và có tem Fsport phía sau.

Trong khi đó, chiếc xe được cho là giả mạo cũng là loại Lexus RX350 màu trắng, cùng đeo biển số 30E-xxx.99. Thoạt nhìn ảnh, hai xe này trông rất giống nhau, tuy nhiên, người đăng bài "tố cáo" cho biết chiếc xe kia là dòng xe của thị trường Nhật Bản, không có tem Fsport và biển số là loại cũ (biển gần vuông, áp dụng từ khoảng 8/2020 về trước).

Không chỉ thế, còn có một chiếc Lexus RX350 màu trắng, cũng mang biển số 30E-xxx.99 nhưng là loại biển dài. Chiếc xe này đang bị lực lượng chức năng thu giữ vì có liên quan đến ổ cờ bạc hơn 2.000 tỷ đồng mới được Bộ Công an triệt phá. Như vậy, rất có thể biển số 30E-xxx.99 có thể đang bị lắp trên nhiều phương tiện.

Trước đó, vào năm 2021, vụ việc tương tự đã xảy ra ở Hà Nội với chiếc Porsche Macan màu nâu mang biển kiểm soát 30A-715.10 do một phụ nữ trú tại khu đô thị Times City (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sở hữu. Đáng chú ý, chính người phụ nữ này khi đưa con đi học, đã phát hiện có một chiếc xe cùng nhãn hiệu với xe của mình đỗ tại sảnh chung cư, nhưng có màu ghi đậm nhưng điều bất ngờ là có biển kiểm soát y hệt, cũng là 30A-715.10. 

Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội sau đó đã xác minh nhanh, xe Porsche màu đen của người phụ nữ là biển kiểm soát thật, được cơ quan Công an cấp. Chiếc còn lại mang biển số giả.

Vào ngày 28/2/2021, cũng tại Hà Nội đã xuất hiện 2 chiếc xe Mercedes-Benz E300 có cùng màu sắc và cùng mang biển số 30E-488.16. Một trong hai chiếc xe đã được cơ quan công an xác minh làm rõ là dùng biển số giả.

Mức xử phạt đã đủ răn đe?

Hành vi sử dụng biển số xe giả là trái pháp luật, vi phạm quy định tạ Khoản 3, Điều 53, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, theo đó: “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp".

Tại điểm d Khoản 5, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định:

Hành vi “Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)” sẽ bị xử phạt từ tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng và tịch thu biển số không đúng quy định.

Trong trường hợp tài xế sử dụng xe mang biển số giả thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Những chiếc xe đeo biển giả được cơ quan chức năng xác định chủ yếu được thế chấp ngân hàng, sau đó được mang đi cầm cố nên không có giấy tờ. Sau đó, chủ xe đi tìm mua biển giả để lắp. Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Hiện việc điều khiển phương tiện gắn biển số giả hiện nay bị xử phạt vẫn còn khá nhẹ về hành vi "Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp" theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, trước thực trạng này cần có chế tài xử phạt nặng hơn thì mới đủ sức răn đe.

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.