10:32 30/10/2009

Xuất khẩu thủy sản: Khoảng sáng đã hiện

Y Nhung

Chín tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sa sút nhiều, nhưng về cuối năm, các tín hiệu khả quan đang dần xuất hiện

Nhu cầu về thủy sản từ các thị trường chính của Việt Nam đã tăng trở lại.
Nhu cầu về thủy sản từ các thị trường chính của Việt Nam đã tăng trở lại.
Chín tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sa sút nhiều, nhưng về cuối năm, các tín hiệu khả quan đang dần xuất hiện.

Kim ngạch giảm gần một phần mười

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trên đạt 3 tỷ USD, giảm 9,1% so với 3,35 tỷ USD cùng kỳ năm 2008. Khối lượng xuất khẩu đạt gần 874 nghìn tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, cá tra, cá basa - mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm sản phẩm thủy sản của Việt Nam - lại giảm tới 8,6%.

Về thị trường, mặc dù EU vẫn giữ vị trí đầu bảng trong cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những tháng đầu năm, nhưng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã giảm 1,7% về khối lượng và 6,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Xuất khẩu sang Nhật cũng giảm 21,2% về khối lượng và 12,3% về giá trị.

So với hai thị trường trên, xuất khẩu sang Mỹ thời gian qua có khả quan hơn với mức tăng trưởng dương trong tám tháng liên tiếp. Nhưng tháng 9 vừa qua, thị trường này đột ngột “xuống dốc” với mức giảm 26,8% về giá trị, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm giảm 3,2%, mặc dù khối lượng xuất khẩu vẫn tăng 14,7% với khoảng 89.724 tấn.

Trong bức tranh xuất khẩu thủy sản “ảm đạm” của Việt Nam thời gian qua, Trung Quốc vẫn được coi là “điểm sáng” do liên tục giữ được mức tăng trưởng hai, ba con số. Mặc dù thị trường này chỉ chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng cũng được coi là cứu cánh cho không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng  17% cả về khối lượng và giá trị.

Bên cạnh Trung Quốc, xuất khẩu thuỷ sản sang các nước và khu vực lân cận như Hàn Quốc, ASEAN, Úc và Canada cũng đang có dấu hiệu khả quan. Trong tháng 9, xuất khẩu sang những thị trường này đều đạt mức tăng trưởng hai con số về cả khối lượng và giá trị (tăng từ 16% - 31% về giá trị). Đây cũng là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Đơn hàng đã nhiều hơn

Ông Nguyễn Văn Lực, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản số 4, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký được thêm đơn hàng từ các thị trường truyền thống. Thậm chí, nhiều đơn vị đã phát triển được các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác mới từ Nga, Đông Âu, Trung Đông. So với các tháng đầu năm, mức giá được ký cũng đã cao hơn.

Các chuyên gia trong ngành cũng dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý 4 sẽ có sự chuyển biến tích cực so với chín tháng đầu năm. Sự phục hồi này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU tăng trở lại.

Trong khi đó, các rào cản thương mại và kỹ thuật của các nước nhập khẩu đang được dỡ bỏ dần, khi giữa tháng 8/2009, Ủy ban châu Âu (EC) đã chấp thuận bổ sung 30 doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn, nâng tổng số lên 330 doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Thị trường Nga cũng đã mở cửa trở lại với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, như Công ty Cổ phần Nam Việt; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang...

Ngoài ra, hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, trong đó, 86% nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản được ưu đãi về thuế (thuế suất nhập khẩu các mặt hàng từ tôm còn 1 - 2%).

Nhưng do những tháng đầu năm mức sụt giảm của ngành là quá lớn, nên năm nay theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính kim ngạch thu về của toàn ngành chỉ đạt khoảng 4,3 tỷ USD.